Luật SHTT sửa đổi, bổ sung khắc phục được nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã được xây dựng và áp dụng hơn 15 năm, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khuyến khích sự sáng tạo, các hoạt động đổi mới, thúc đẩy sự phát triển sản xuất và kinh doanh, là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm khai thác hiệu quả và bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, qua quá trình thực tiễn thi hành của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, Luật này cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế và “lỗi thời”. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là vấn đề quan trọng trong thời đại kinh tế - xã hội ngày càng phát triển của Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua. Để hiểu rõ hơn về bản chất cũng như những thay đổi đối với Luật, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp cùng với trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội nghị Khoa học “Những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”.
Giới thiệu về các nội dung sửa đổi, bổ sung chính của Luật, Cục SHTT cho biết, Luật đã sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật SHTT.
Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như: Luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại; Sáng chế kỹ thuật có yếu tố tác động đến quốc phòng, an ninh phải nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam mới được nộp đơn đăng ký ở nước ngoài; Sửa đổi đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; Luật bổ sung quy định về dấu hiệu có thể được xem là nhãn hiệu bên cạnh các dấu hiệu khác ở khoản 1 Điều 72 là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”.
Sửa đổi đối với dấu hiệu có khả năng phân biệt ở Khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ; Cho phép góp vốn bằng tài sản SHTT nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ liên quan đến quyền của Nhà nước đối với sáng chế, KDCN, thiết kế bố trí.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các nghị định, thông tư nhằm hướng dẫn thi hành các điều Luật và tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến người dân.
Cùng chung quan điểm cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật là điều cần thiết, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Đại diện Sở hữu công nghiệp, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu Điểm Tựa Vàng chia sẻ: “Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung mới tương đối cụ thể và sát với yêu cầu thực tế và có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ phát huy vai trò và tạo ra hành lang pháp lý cho doanh nghiệp trong sáng tạo và xác lập quyền Sở hữu trí tuệ.
Bước kiểm soát an ninh quy định tại Điều 89 đối với sáng chế kỹ thuật có yếu tố tác động đến an ninh quốc phòng của cá nhân là công dân Việt Nam trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, cần phải nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam là điều hợp lý. Thay vì mọi lĩnh vực sáng chế được xem là sáng chế mật liên quan tới quốc phòng, an ninh đều phải được đăng ký ở Việt Nam trước khi đăng ký ở nước ngoài theo Điều 23 NĐ 122/201//NĐ-CP như trước đây, bị cho là phạm vi quá rộng, gây ra quan ngại, ảnh hưởng đầu tư nước ngoài. Đến Luật mới năm 2022, phạm vi giới hạn lại chỉ bao gồm những sáng chế liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng thu hẹp phạm vi đối với việc kiểm soát sáng chế, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của cá nhân”.
Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và theo hiệp định CPTPP có quy định. Không Bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh. Do vậy, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung đã thêm vào “dấu hiệu âm thanh” cho thấy lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận một loại nhãn hiệu phi truyền thống - là sự tiến bộ đáng được ghi nhận trong Luật SHTT nước ta trong quá trình thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.
Các đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng, có nhiều điểm chưa rõ ràng trong việc bảo hộ nhãn hiệu về âm thanh. Mặc dù quy định này đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2022, tuy nhiên thực tế đến nay Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ một hướng dẫn về trình tự hay thủ tục cũng như cách thức tiến hành để đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Như vậy, để đảm bảo sự tương thích với quy định của Hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần sớm ban hành các nghị định, thông tư cũng như quy chế để đưa nhãn hiệu này vào thực tiễn. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu và làm rõ một số nội dung trong Luật sửa đổi, bổ sung 2022 các quy định liên quan đến nội dung chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Qua nghiên cứu, việc tên của các chỉ dẫn địa lý vẫn có khả năng trùng nhau, vậy đâu là cơ sở để cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình thực tiễn triển khai, gây khó khăn cho địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp Luật có liên quan, lấp đầy khoảng trống pháp lý của các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Luật SHTT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sẽ là điểm mấu chốt khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, góp phần hoàn thiện thể chế về SHTT, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Minh Tuệ