SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Luật sư nói gì về vụ kiện bản quyền vở diễn Ngày xưa giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú

15:19, 18/03/2019
(SHTT) - Liên quan đến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” giữa giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS, nhiều luật sư đã lên tiếng chia sẻ ý kiến riêng của mình.

Luật sư nói gì về vụ kiện bản quyền vở diễn Ngày xưa giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú

Ngày 14/3, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chương trình nghệ thuật giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội thuộc Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển (biệt danh "chúa đảo Tuần Châu") và Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (DS) do đạo diễn Việt Tú làm giám đốc.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thì Quỳnh Anh, Thạc sĩ Báo chí học, Giám đốc Công ty Luật InvestPro, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Người vừa bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ đề tài liên quan đến vấn đề bản quyền đã chia sẻ với Dân Trí rằng tranh chấp giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (CTCP TCHN) và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS (CTCP DS) là tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm giữa một bên là tổ chức đầu tư kinh phí để sáng tạo tác phẩm và một bên là tác giả sáng tác. Trong nhiều loại hình nghệ thuật, nếu thiếu sự đầu tư vật chất hữu hiệu của nhà đầu tư thì e rằng giới tác giả khó mà đủ sức sáng tạo nghệ thuật.

Đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật Biểu diễn thực cảnh, là một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt. Trong loại hình nghệ thuật này, e rằng sẽ chẳng có cá nhân riêng lẻ nào có thể tự mình sáng tạo được mà thiếu đi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với nguồn lực vật chất mạnh mẽ.

Trong vụ việc trên, sẽ không ai thắc mắc về quyền nhân thân của đạo diễn Việt Tú với tư cách là tác giả “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa”. Nhưng nếu đạo diễn Việt Tú đã được vinh danh tinh thần với những đứa con tinh thần đó, thì quyền công bố, sở hữu, khai thác, định đoạt tác phẩm đương nhiên phải thuộc về doanh nghiệp đã đầu tư vật chất hỗ trợ cho việc sáng tạo. Cụ thể, CTCP TCHN có quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” trong nhóm các quyền nhân thân (Khoản 3 điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ) và các Quyền Tài sản (tại Điều 20 Luật SHTT).

Tôi cho rằng trong vụ án này, đạo diễn Việt Tú không hiểu các quy định pháp luật về quyền sở hữu tác phẩm. Có thể, đạo diễn Việt Tú đã vô tình nhầm lẫn về quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các tác phẩm. Trong vụ án này, CTCP TCHN không đòi hỏi những gì thuộc về quyền nhân thân của tác giả. Họ chỉ đòi lại những gì thuộc về quyền sở hữu hợp pháp của họ đã được pháp luật ghi nhận.

ngay-xua-15525472415521107857803

 Luật sư nói gì về vụ kiện bản quyền vở diễn Ngày xưa giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú

Trước vấn đề này, luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM (SHTT) cũng đã có buổi trao đổi với báo Pháp luật và Xã hội.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đây là một điều rất dễ gây nhầm lẫn cho ngay cả những người có kiến thức pháp luật về lĩnh vực quyền tác giả, bởi luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả (luật SHTT) không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng đó. Điều này được thể hiện tại khoản 1 Điều 6 luật SHTT, có nghĩa là: một bài hát được viết với chủ đề về tình yêu thì không có nghĩa là các bài hát khác không được viết về chủ đề đó nữa hoặc phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để được viết bài hát khác về chủ đề tình yêu. 

"Các bài hát về tình yêu có thể cho ta cảm giác giống nhau về ý tưởng vì chúng thể hiện đặc trưng của chủ đề này như giận hờn hay thắm thiết, đau khổ hay hạnh phúc, cảm xúc mãnh liệt... Nhưng đó là những đặc trưng của chủ đề này, luật SHTT chỉ bảo vệ cái cách mà bài hát về chủ đề tình yêu được thể hiện ra bằng những nốt nhạc, những lời bài hát cụ thể. Luật SHTT sẽ không cấm một bài hát được sáng tác về sự hạnh phúc của hai người yêu nhau vì đã có bài khác được đăng ký cho nội dung tương tự rồi. 

Trong trường hợp của hai vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ, chúng tương tự nhau về ý tưởng là vì mục đích của chủ đầu tư - Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) là dựng nên một tác phẩm sân khấu với chủ đề về sinh hoạt của người dân vùng văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử. Đương nhiên nhắc đến chủ đề này, với một hiểu biết trung bình, một người bình thường sẽ mường tượng được nó sẽ bao gồm các hoạt động về nông nghiệp cày cấy, đồng giao, quan họ, hội làng... Đó là những đặc trưng rất dễ nhận biết và không cần phải sáng tạo ra. 

Không thể nói là đã có tác phẩm được đăng kí có nội dung về những hoạt động này rồi nên những tác phẩm khác không được sáng tác về ý tưởng sinh hoạt của người dân vùng văn minh lúa nước hay sáng tác nhưng không được thể hiện các hoạt động về nông nghiệp, đồng giao, quan họ, hội làng... Chúng ta vẫn rất hay nhầm lẫn khi kết luận tác phẩm này xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm kia vì cảm thấy chúng "sem sem" hay là "đạo ý tưởng" của nhau. Do đó, việc đạo diễn Việt Tú nói là "ý tưởng bị sao chép", hay "được lấy cảm hứng không hề nhẹ" là chưa chính xác khi kết luận đó là yếu tố quyết định việc tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ xâm phạm quyền tác giả với tác phẩm Ngày xưa", luật sư Phan Vũ Tuấn phân tích.

Diễn biến vụ kiện bản quyền giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu Hà Nội

Như đã đưa tin trước đó, vào tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Thuở ấy xứ Đoài" tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn được Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Công ty TCHN) đầu tư. Thế nhưng sau chưa đầy 10 buổi công diễn, vở diễn này bất ngờ bị huỷ bỏ.

Đến tháng 10/2017, Công ty TCHN công bố vở diễn "Tinh Hoa Bắc Bộ" và gọi rằng đây là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn. Lý giải về sự thay đổi này, đại diện Công ty TCHN cho biết vở diễn do Việt Tú dàn dựng “không chạm đến trái tim người xem”.

Đến tháng 3/2018, đại diện Công ty TCHN cho biết Tòa Án nhân dân Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng. Theo đó, luật sư của Công ty TCHN cáo buộc đạo diễn Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của phía tập đoàn khi tự ý đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Đạo diễn Việt Tú sau đó đã phủ nhận những cáo buộc này.

Vào tháng 4/2018, đạo diễn vở "Tinh hoa Bắc Bộ" Hoàng Nhật Nam quyết định gửi đơn kiện đạo diễn Việt Tú khi đồng nghiệp phát ngôn trên báo chí cho rằng vở diễn do anh dàn dựng là một tác phẩm “phái sinh”, “đạo nhái”. Tuy nhiên sau đó, Toà Án nhân dân quận Bình Thạnh TP HCM đã từ chối thụ lý.

Tháng 5/2018, Toà Án nhân dân Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) do đạo diễn Việt Tú làm đại diện, trong đó yêu cầu Công ty TCHN chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Ngày Xưa".

Tháng 8/2018, Toà Án nhân dân Hà Nội tiếp tục thụ lý đơn phản tố của Công ty DS, trong đó bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của Công ty TCHN và đưa ra yêu cầu đối với TC về việc thừa nhận việc xây dựng tác phẩm trên nền tảng vở diễn "Ngày Xưa" và bồi thường thiệt hại.

Về phía đạo diễn Việt Tú, anh khẳng định: "Tinh hoa Bắc Bộ sao chép ý tưởng, cách dàn dựng, câu chuyện của vở Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài), sử dụng toàn bộ số nông dân do anh huấn luyện, lấy toàn bộ trang phục, đạo cụ mà anh và ê kíp chuẩn bị". Ngoài ra, theo đạo diễn Việt Tú, vở Tinh hoa Bắc Bộ còn vi phạm bản quyền âm nhạc khi sử dụng bản phối khí anh dùng cho vở Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài).

Trong khi đó, Công ty TCHN cho biết “Tinh hoa Bắc Bộ” là sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam và bà Đạo Thụy Phương Thảo theo sự đặt hàng của TCHN. Chương trình là chắt lọc các tinh hoa của vùng quê Bắc Bộ, được thể hiện trong các lĩnh vực nghệ thuật thi, ca, nhạc, hoạ... nhằm tái hiện các hoạt động vui chơi giải trí, lao động sản xuất, văn hóa tín ngưỡng, trí thức... của người dân Bắc Bộ xưa. Đây là tác phẩm hoàn toàn độc lập không có bất kỳ sự ảnh hưởng, sao chép nào từ tác phẩm “Ngày xưa” của đạo diễn Việt Tú. Phía Tuần Châu cho rằng phía DS đã xâm phạm quyền sở hữu của Cty TCHN bằng cách tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm này.

Tại phiên xử ngày 14/3, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, vở diễn Ngày xưa là kết quả của việc thực hiện hợp đồng giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS. Phía Tuần Châu không trực tiếp sáng tạo sản phẩm hay một phần tác phẩm nên ông Việt Tú là tác giả vở diễn. Nhà đầu tư nắm quyền sở hữu. Việc phía bị đơn đăng ký quyền tác giả cho đạo diễn Việt Tú là phù hợp, nhưng cùng mang tên công ty là trái quy định.

Theo đại diện VKSND TP Hà Nội, việc Công ty CP Tuần Châu Hà Nội thuê đơn vị khác dàn dựng vở diễn thay thế không đủ cơ sở cho thấy đạo diễn Việt Tú vi phạm hợp đồng. Đây là lựa chọn của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội nên không có căn cứ buộc Công ty DS bồi thường 5,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu vở diễn nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, không liên quan đến Công ty DS. Ngoài ra, VKSND TP Hà Nội cho rằng cần xem xét các khoản lãi phát sinh mà Công ty CP Tuần Châu Hà Nội phải trả cho đạo diễn Việt Tú. Riêng khoản 6,3 tỷ đồng tính theo doanh thu 10% vở Tinh hoa Bắc bộ là không có căn cứ, kiểm sát viên đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Công ty DS.

Tòa sẽ tuyên án vào ngày 20/3 tới đây.

Hoàng Oanh

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 20/4/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2024. Hội nghị thu hút sự tham gia của sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.