SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Lợi nhuận 'lèo tèo' trong khi nợ vay tăng mạnh, LIG huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu

16:55, 12/07/2021
(SHTT) - Tỷ suất sinh lợi tại CTCP Licogi 13 (Licogi 13 – Mã: LIG) thấp, nợ vay tăng mạnh. Do thiếu vốn để triển khai nhiều dự án nên LIG đã lên kế hoạch huy động gần 670 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

LIG huy động gần 670 tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu

CTCP Licogi 13 (Licogi 13 – Mã: LIG) được hình thành và phát triển từ năm 1960, từ cái nôi của Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), tiền thân là Đội thi công cơ giới số 57 sau đó phát triển thành Công trường Cơ giới 57 chuyên thi công hạ tầng các công trình phục vụ công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa tại Miền Bắc.

Năm 2005, công ty chuyển đổi hình thức sở hữu từ công ty nhà nước sang CTCP. Đến ngày 22/4/2010, Licogi 13 niêm yết trên sàn HNX với mã là LIG.

Với “thâm niên” hoạt động như vậy, Licogi 13 không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư.

Nhắc đến Licogi 13 là nhắc đến những công trình xây dựng lớn, như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội mới.

Các công trình thủy điện: Bản Chát, Lai Châu; Nhà máy Xi măng Bút Sơn 2, Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang)… Các dự án năng lượng tái tạo như triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị, dự án nhà máy điện gió LIG – Hướng Hóa 1,2,…

Các công trình hạ tầng giao thông như: đường bao biển và hạ tầng Khu đô thị Lán Bè - Cột 8 (TP. Hạ Long, Quảng Ninh); Quốc lộ 1A (Khánh Hòa), Quốc lộ 20 (Lâm Đồng), cầu Hạc Trì (Phú Thọ), đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bên cạnh đó là xây dựng các công trình dân dụng: Khu nhà ở Licogi 13, Tòa nhà hỗn hợp Licogi 13 Tower, các tòa nhà của nhiều chủ đầu tư tên tuổi như Handico, Viwaseen, FLC, Sông Đà 7…

Tầm nhìn 3-5 năm tới, công ty đặt mục tiêu doanh thu từ lĩnh vực xây dựng đạt 1.800 tỷ đồng/năm; lĩnh vực bất động sản góp 200 tỷ/năm và lĩnh vực hạ tầng công nghiệp sẽ đưa vào khai thác, vận hành tối thiểu 2 nhà máy thủy điện nhỏ, 2 nhà máy năng lượng tái tạo khác và 1 khu công nghiệp với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ 8% - 10%/năm.

Nhằm hiện thức hóa các mục tiêu đề ra, Licogi 13 đã lên kế hoạch bổ sung nguồn vốn kinh doanh thông qua việc phát hành riêng lẻ 25,7 triệu cổ phiếu LIG với giá chào bán 10.000 đồng/đơn vị. Mức giá cao khoảng 45% so với thị giá hiện tại đang giao dịch trên sàn. 

Nếu thành công với kế hoạch tăng vốn, Licogi 13 dự kiến sẽ sử dụng số tiền 257 tỷ đồng thu về nhằm đầu tư góp vốn tại các công ty. Cụ thể, (1) 160 tỷ đồng được đầu tư vào hai công ty vận hành hai dự án điện gió Hướng Hoá 1, 2 tại tỉnh Quảng Trị; (2) số vốn 77 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào công ty sở hữu dự án thuỷ điện Nậm Pàn 5; (3) với 20 tỷ đồng còn lại, Licogi 13 sẽ bổ sung vốn góp tại công ty nền móng xây dựng Licogi 13 để duy trì tỷ lệ chi phối 51%.

Ngoài ra, công ty đã lên kế hoạch huy động 500 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư hợp tác tại các dự án khu đô thị Bắc Kênh đào (An Giang) và khu công nghiệp Quán Ngang (Quảng Trị).

LIG đang làm ăn ra sao?

Về LIG, kết quả kinh doanh của công ty giai đoạn 2017 -2020  luôn ghi nhận mức doanh thu nghìn tỷ và giữ vững đà tăng trưởng dương qua các năm.

Cụ thể, năm 2017 doanh thu thuần tại LIG đạt 1.187 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước đó. Đến năm 2020, doanh thu đã tăng 97% so với năm 2017, lên mức 2.338 tỷ đồng.

Trái ngược với doanh thu nghìn tỷ, lãi sau thuế tại LIG từ 2017 – 2020 'lèo tèo' vài chục tỷ. Năm 2017 lãi sau thuế đạt 9 tỷ, giảm 25% so với năm trước đó. Năm 2018 đạt 27 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 giảm còn 23 tỷ đồng và 11 tỷ đồng trong năm 2020.

Bước sang năm 2021, LIG đã thống nhất với kế hoạch doanh thu 2.250 tỷ đồng, đi lùi 4% so với thực hiện năm trước đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt 64 tỷ đồng. LIG cũng dự kiến sẽ sử dụng 2.270 tỷ đồng cho hoạt động đầu năm trong năm 2021.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, LIG thu được hơn 684 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020 đồng thời hoàn thành 30,4% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 1,3 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với quý 1/2021.

Với kết quả kinh doanh trên, tỷ suất sinh lợi tại LIG tương đối thấp. Chỉ số như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân) năm 2017 chỉ đạt 0,94% đến năm 2020 giảm còn 0,75%. Tương tự, chỉ số ROA (tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân) năm 2017 chỉ đạt 0,26% đến năm 2020 còn 0,11%.

Tỷ suất sinh lợi là tỷ số cực kỳ quan trọng trong đầu tư. Tỷ suất sinh lợi càng lớn thì tiền chúng ta nhận được sau đầu tư sẽ càng cao.

Ngoài kết quả kinh doanh, hoạt động tài chính tại LIG thực sự kém sáng trong vài năm gần đây.

Giai đoạn 2017 – 2020 tổng tài sản tại LIG tăng từ 2.059 tỷ đồng lên 5.346 tỷ đồng, tương đương tăng 160%, đến 31/3/2021, tổng tài sản tiếp tục tăng nhẹ 3% lên mức 5.518 tỷ đồng. Song hành cùng tổng tài sản, nợ phải trả tại LIG tăng mạnh, từ 1.548 tỷ đồng (năm 2017) lên 4.512 tỷ đồng (năm 2020), tương đương tăng 191% (tốc độ tăng còn nhanh hơn tổng tài sản).

Trong đó, nợ ngắn hạn tại LIG giai đoạn 2017 - 2020 tăng 109%, từ 1.409 tỷ đồng lên 2.941 tỷ đồng (năm 2020). Thậm chí, nợ dài hạn tại LIG tăng từ 139 tỷ đồng (năm 2017) lên 1.570 tỷ đồng (năm 2020), tương đương tăng gấp 11,2 lần. Đến 31/3/2021, nợ ngắn hạn đã leo lên 3.038 tỷ đồng và nợ dài hạn lên mức hơn 1.687 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn tại các tổ chức, ngân hàng tăng từ 688 (tỷ đồng) lên 1.972 tỷ đồng (2020), tương đương tăng 187%.

Lưu ý, năm 2017, nợ phải trả tại LIG gấp 3 lần vốn chủ sở hữu đến năm 2020 con số nợ phải trả đã gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu và tại thời điểm 31/3/2021 gấp gần 6 lần.

Do đó, tỷ số nợ vay/vốn chủ sở hữu tại LIG tăng từ 134% (năm 2017) lên 236% (năm 2020), tính đến 31/3/2021 tăng 254%. Đồng thời, tỷ số nợ/tổng tài sản tại LIG tăng từ 75% lên 84%. Điều này đồng nghĩa LIG phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động.

Việc nợ phải trả cao gấp đôi vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của LIG được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát. Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.

Mới đây, LIG vừa thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Điện mặt trời Quảng Trị - doanh nghiệp sở hữu Dự án Điện mặt trời LIG Quảng Trị . Bên nhận chuyển nhượng chính là VN Green Holdings Pte.Ltd, một đơn vị đến từ Singapore. Giá trị chuyển nhượng vốn góp đạt trên 456 tỷ đồng.

Trước đó, LIG đã thành lập 3 công ty tại Quảng Trị để phục vụ việc chuyển giao chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị theo yêu cầu của tỉnh gồm CTCP Điện mặt trời LIG Quảng Trị; CTCP Năng lượng LIG và Công ty TNHH MTV Điện mặt trời Licogi 13. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm, các đơn vị này lần lượt giải thể vì kinh doanh không hiệu quả.

Hoàng Long

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sáng 15/4,UBND Tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024.