Loạt ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động
Tính đến sáng 6/3 nhiều nhà băng đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất. Hai trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank và Agribank đã hạ lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng 0,2-0,3% so với trước, các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.
Các nhà băng tư nhân khác như LienVietPostBank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank cũng đã giảm lãi suất 0,1-0,6% với các kỳ hạn 6-12 tháng.
Đối với gửi trực tuyến, lãi suất cao nhất của Sacombank hiện nay là 8,6%/năm tại kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng lần lượt là 7,7%/năm và 8,1%/năm. Như vậy, Sacombank đã điều chỉnh giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Tại VPBank, lãi suất cũng đã giảm sâu. Theo cập nhật trên ứng dụng ngân hàng số, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của ngân hàng này chỉ còn 7,3%/năm, giảm tới 2% so với trước.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5 điểm %. Tương tự lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,4%/năm. Trong khi đó, VPBank giữ nguyên lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức tối đa 6%/năm.
BacABank ngày hôm qua còn thuộc nhóm ngân hàng hiếm hoi còn niêm yết lãi suất cao nhất 9,5%/năm. Từ hôm nay 6/3 cũng đã điều chỉnh mạnh xuống 9,2%/năm, kỳ hạn từ 13 tháng. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 8,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 8,8%/năm.
Như vậy tính tới 6/3, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường là 9,5%, chỉ còn xuất hiện tại số ít đơn vị như SCB và Kienlongbank.
Bên cạnh những ngân hàng trên, dự kiến nhiều ngân hàng khác cũng sẽ công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ hôm nay. Hầu hết các nhà băng đã đưa lãi suất xuống dưới mốc 9%/năm, có nơi chỉ còn quanh 8%-8,5%/năm. So với hồi đầu năm, lãi suất đã giảm khoảng 0,5-1%/năm. Và so với đỉnh cuối năm 2022, lãi suất đã giảm tới 1,5-2%/năm.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi theo Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các nhà băng giảm chi phí, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
TIN LIÊN QUAN
-
Để tránh nhầm lẫn thương hiệu với SCB, Sacombank ra thông báo đính chính
-
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo không nên rút tiền trước hạn tại SCB
-
Khách hàng mất tiền sau khi nhận tin nhắn giả mạo thương hiệu, ngân hàng SCB giải thích lý do
-
Nhiều khách hàng mất tiền sau khi nhận tin nhắn chèn sóng giả mạo ngân hàng SCB