Lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch và an toàn
Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng TPAT, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công tác quản lý an toàn thực phẩm; chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về sản xuất TPAT. Đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức cách xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng các loại như rau, củ, quả, thịt lợn sạch và chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 40 chuỗi cung ứng TPAT, trong đó có 16 chuỗi cung ứng rau, quả tại thị trấn Thiệu Hóa, các xã Minh Tâm, Thiệu Hợp, Thiệu Vũ, Thiệu Ngọc; 12 chuỗi lúa gạo tại các xã Thiệu Giang, Thiệu Phúc, Thiệu Long; 5 chuỗi thịt gia súc, gia cầm tại xã Thiệu Nguyên, Thiệu Toán và 7 chuỗi thủy sản tại xã Thiệu Quang, Thiệu Thịnh... Tổng khối lượng TPAT được cung ứng ra thị trường mỗi năm của huyện Thiệu Hóa đạt gần 40.000 tấn các loại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện và thị trường toàn tỉnh.
Là người đang tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn xã Thiệu Vũ, bà Trần Thị Tâm cho biết: Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp, tôi và bà con trong xã đã hiểu hơn về cách thức trồng rau an toàn. Nhất là các điều kiện để sản xuất trong nhà màng, nhà lưới như mực nước tưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng chế phẩm sinh học... Các sản phẩm sau khi thu hoạch phải được kiểm tra thật kỹ rồi mới đóng gói, dán nhãn và tem truy xuất nguồn gốc cho đúng quy định.
Tại huyện Vĩnh Lộc, việc xây dựng chuỗi cung ứng TPAT đã được triển khai bằng nhiều giải pháp, điển hình như việc thúc đẩy người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Các địa phương trong huyện cũng trực tiếp tham gia với vai trò là “cầu nối” để doanh nghiệp và người dân thuận lợi thực hiện liên kết, nhằm bảo đảm lợi ích và quyền lợi chính đáng cho cả hai bên. Bên cạnh đó, huyện còn tạo nhiều thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tiết kiệm thời gian, sức lực cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Để các chuỗi liên kết không bị đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng TPAT. Các công đoạn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đều có bộ phận giám sát kỹ càng, tránh sai sót, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng. Hiện, huyện Vĩnh Lộc phát triển được 35 chuỗi cung ứng TPAT. Trong đó có 14 chuỗi cung ứng rau, quả; 13 chuỗi cung ứng lúa gạo; 5 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm; 3 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản.
Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.165 chuỗi TPAT, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển chuỗi cung ứng TPAT đã giúp người sản xuất, đơn vị cung ứng và tiêu thụ sản phẩm có sự gắn kết bền chặt, cùng nhau mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm chất lượng cao và được kiểm định chặt chẽ của cơ quan chức năng, từ đó tạo niềm tin và sự yên tâm cho người tiêu dùng.
PV