Lộ trình đến năm 2030: Xe điện phải sớm chiếm 1/3
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch thực hiện 9 giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của nước ta.
Bộ cho hay, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn liên quan đến ôtô điện, xe máy điện, đồng thời rà soát niên hạn sử dụng đối với ôtô chở người, chở hàng sử dụng điện. Cùng với đó, các quy định về trạm dừng trong đó có số lượng vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ sẽ được áp dụng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Đến năm 2030, toàn bộ xe máy đảm bảo đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100 km; toàn bộ ô tô từ 9 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu. Ôtô có dung tích động cơ 2000cc đạt 6,4 lít/100 km.
Phương tiện mới áp dụng quy định trên theo lộ trình đạt 30% tổng số phương tiện vào năm 2027, vào năm 2028 đạt 50%, năm 2029 đạt 75% và 100% vào năm 2030.
Đến năm 2030, tại Hà Nội tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng là 45%-50%, TP HCM là 25%, Đà Nẵng 25%-35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10%-15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Tại các đô thị lớn sẽ đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động. Trong đó, Hà Nội có đoạn trên cao tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đã hoạt động và toàn tuyến số 3, được hoàn thành và khai thác vào năm 2030. Còn tại TP HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa vào vận hành từ quý 4 năm nay.
Giai đoạn 2024-2030, các thành phố lớn sẽ tiếp tục phát triển xe buýt CNG (sử dụng khí thiên nhiên) bảo đảm mục tiêu đến 2030, tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại TP HCM và 200 xe tại Hà Nội.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, để đạt được mục tiêu đã đề ra thì từ nay đến năm 2030 Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến ôtô điện, xe mô tô, xe gắn máy điện. Xây dựng, ban hành QCVN thay thế QCVN 09:2015 về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô, trong đó cập nhật các quy định liên quan đến ôtô điện.
Bộ GTVT sẽ xây dựng, ban hành thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường. Rà soát niên hạn sử dụng đối với ôtô chở người, ôtô chở hàng sử dụng điện; đề xuất quy định theo hướng thuận lợi hơn cho ôtô điện nếu đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Triển khai thực hiện thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành QCVN về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó có quy định về số lượng, vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ để phát triển hạ tầng sạc điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ này sẽ nghiên cứu, phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc điện trên các tuyến đường quốc lộ và tuyến đường cao tốc vào “Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Bộ GTVT sẽ đề xuất cơ chế trao đổi, bù trừ hạn ngạch và trao đổi tín chỉ carbon từ các dự án chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sang sử dụng phương tiện điện. Xây dựng quy trình thủ tục, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
PV