SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Lọ sơn móng tay, món quà xúc động ngày nhà giáo Việt Nam của cô giáo cắm bản

20:14, 18/11/2017
(SHTT) - Vài bông hoa dại hái ven rừng, củ khoai, củ sắn…hay lọ nhũ sơn móng tay là những món quà bình dị và rất đỗi thân thương mà cô giáo Đinh Thị Bích Hạnh nhận được từ những học sinh thân yêu của mình nhân ngày nhà giáo VN.
av1
Cô giáo Đinh Thị Bích Hạnh trong một cuộc hội thảo.

Mỗi lần nghĩ đến món quà kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam lại khiến cô giáo Đinh Thị Bích Hạnh (giáo viên trường Tiểu học Quảng Lợi, xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) mỉm cười xúc động.

Cô Hạnh chia sẻ: “Mỗi dịp 20/11 đến, trong tôi lại có những niềm vui đến khó tả. Lớp tôi chủ nhiệm có 12 học sinh, chúng đến từ nhiều dân tộc khác nhau như: Dân tộc Kinh, Tày, Nùng, sán, chỉ… Nhận thức của chúng ngây thơ như chính tâm hồn  bình dị của chúng vậy. Nhiều năm trước, lũ trẻ không biết đến ngày nhà giáo Việt Nam là ngày gì, cho đến khi, trong một bài học các cô dạy ý nghĩa của những ngày lễ, Tết trong năm, khi ấy chúng mới mường tượng ra ngày 20/11”.

Nhưng điều cô giáo Bích Hạnh chưa bao giờ thôi xúc động, đó là, lũ trẻ có thể nghỉ học tự do nhiều ngày trong tuần, riêng ngày hiến chương các nhà giáo, năm nào chúng cũng có mặt đông đủ.

Ngẫm đến con đường dạy chữ của cô giáo Hạnh quả là nhiều gian nan. Nếu một người không có tình yêu thương bao la với ngành giáo dục, với những đứa trẻ thì có lẽ cô Hạnh đã nghỉ dạy từ những ngày đầu tiên đến điểm trường.

23660538_1005061086298575_1807292824_o
Nhà văn hóa xã, nơi cô Hạnh và học trò của mình ngồi "học tạm".

Một ngày của 5 năm trước, khi cô nhận được quyết định về điểm trường tiểu học Quảng Lợi giảng dạy, vì tuổi trẻ nên cô giáo Hạnh rất háo hức với môi trường mới. Nhưng rồi, niềm vui chẳng đầy gang, cảm xúc hăm hở ấy tan biến nhanh chóng khi cô trải nghiệm ngày đầu đến trường.

Con đường từ nhà cô giáo đến điểm trường phải đi qua một cây cầu treo lắc lư bắc qua. Chiếc cầu ọp ẹp đã xuống cấp từ lâu khiến ai đi qua cũng phải run sợ vì có thể rơi tõm xuống sông bất kỳ lúc nào.

Qua bên kia sông, cô phải tiếp tục đi vào sâu trong rừng nữa mới đến trường học: “Trường học vẫn chưa được xây, vì vậy, phải mượn tạm nhà văn hóa xã cho cô, trò có nơi ngồi học. Chúng còn nhỏ nên ngây thơ lắm, những ngày đầu đến trường, lúc nào thích học thì chúng ngồi yên,lúc nào chán là chúng chạy ùa ra sân chơi mặc sự quản lý của cô”.

Đối với những đứa trẻ này, việc dạy chữ rất gian nan. Bản thân bố mẹ chúng hầu như không biết chữ, vì vậy, việc dạy học cho lũ trẻ, giáo viên gần như không nhận được sự hỗ trợ, kèm cặp nào từ phía gia đình học sinh.

23619138_1004511463020204_1951257243_n-tile
Những món quà độc đáo có một không hai mà cô Hạnh được học sinh dành tặng nhân ngày hiến chương các Nhà giáo.

Hơn thế nữa, không mấy khi lũ trẻ đi học đông đủ trong một tuần: “Có lần, thấy một em học sinh nghỉ học 2,3 ngày liên tiếp, tôi đến thăm gia đình, được biết, em nghỉ học vì không có sách vở, quần áo mặc. Ngày ngày, thay vì đi học, em theo bố mẹ đi bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc, lấy tiền đong gạo.

Có đứa bỏ học theo ba mẹ lên đồi trồng keo, trồng sắn… Vậy là một mặt chúng tôi thuyết phục bố mẹ về ý nghĩa của việc biết chữ. Mặt khác, chúng tôi vận động người dân ngoài thị trấn để xin gạo, xin quần áo, sách vở cho các em được tiếp tục đến trường”.

Sự nghiệp “gieo chữ” nơi đây của các cô cũng gian nan như chính vùng đất Quảng Lợi đầy sỏi đá và gió biển quanh năm. Vì thế, không ít lần cô giáo Hạnh chán nản tưởng chừng phải từ bỏ trước sự nghiệt ngã ấy.

Nhưng rồi, thời gian trôi đi, cô cảm thấy mình ngày càng gắn bó với nơi này. Những tiếng cười khanh khách của lũ trẻ, giọng nói bi bô của 12 cái miệng xinh đã níu chân cô giáo trẻ từ khi nào.

Để rồi, khi chiếc cầu treo đã mục nát từ lâu, thay vì đi cầu treo, cô Hạnh phải qua sông bằng tấm ván ép mỗi ngày, nỗi sợ hãi tăng lên ngàn lần nhưng không làm cho ước mơ gieo chữ trong cô bị lu mờ, nao núng.

Những lần đến nhà phụ huynh vận động các em đi học, nhìn cảnh sống nhem nhuốc thiếu thốn của bố mẹ chúng khiến cô cảm thông sâu sắc. Chứng kiến sự vất vả ấy khoét sâu thêm ước mơ cháy bỏng trong cô: “Nhất định phải gieo được những mầm chữ ở nơi này. Biết chữ, biết làm tăng gia sản xuất mới có thể tồn tại và thoát nghèo trên vùng đất Quảng Lợi”.

23633519_1004511476353536_1349004638_o
Hay đôi khi, quà là vài hành hoa Xuyến Chi được học sinh hái vội trên đường đến trường.

Kể về món quà ngày nhà giáo VN, cô Hạnh lại cười rất tươi khi đưa ra những bức ảnh kỷ niệm mà cô chụp từ những năm trước. Những bó hoa dại hái ở ven rừng, có năm, học sinh mang theo củ sắn, củ khoai đó cũng là quà cho cô ngày nhà giáo.

Cô giáo Hạnh cười đầy hãnh diện kể lại: “Có lẽ, món quà vật chất có giá trị nhất mà mình từng nhận được trong ngày nhà giáo VN đó là lọ nhũ sơn móng tay lũ trẻ mua với giá 2 ngàn đồng. Chúng đáng yêu lắm, có đứa lấy trong túi xách nắm hoa dại chúng hái từ lúc nào, bẽn lẽn dúi nắm hoa vào tay cô rồi lẩn vào nhóm bạn vì xấu hổ quá. Cũng có đứa hái nắm hoa xuyến chi (hoa cứt lợn) trên đường đến trường mang lên tặng cô, mạnh dạn chúc cô ngày càng xinh đẹp”.

Ngày 20/11 đang đến gần, đường đến điểm trường cô Hạnh vẫn phải trải qua con sông bằng tấm ván đầy nguy hiểm và sợ hãi. Nhưng từ lâu lắm rồi, việc ươm mầm con chữ đã biến thành ước mơ của cô giáo trẻ. Nó trở thành động lực giúp cô không còn nghĩ đến việc chuyển trường hay từ bỏ sự nghiệp. Ước mơ ấy đang lớn dần cùng những mầm xanh mọc trên mảnh đất khô cằn chỉ có đá và biển mặn, mảnh đất càng cằn cỗi, mơ ước càng khát khao, cháy bỏng.

Cù Hiền

 

Ngày 20/11 là ngày gì? Lịch sử và ý nghĩa của ngày 20/11?

Ngày 20/11 là ngày gì? Lịch sử và ý nghĩa của ngày 20/11 như thế nào? là những câu hỏi tưởng như quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết. Ngày 20/11 là ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, là ngày để các thế hệ học trò tri ân tới những thầy cô.

 

Từ 20/11, xe ôm Mai Linh chính thức hoạt động

Theo đại diện Tập đoàn Mai Linh, ứng dụng M.Bike (xe ôm công nghệ Mai Linh) đã được các nhân viên, lái xe của doanh nghiệp này thử nghiệm gần 1 tháng nay.

Tin khác

Khoa học Công nghệ 4 giờ trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 11 giờ trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy đã trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF).
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ thông tin Việt Nam (Vinasa) mới đây đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của 117 doanh nghiệp công nghệ.
Khoa học Công nghệ 5 ngày trước
(SHTT) - Tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia 2024 với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết trình độ KHCN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực.