SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Lo ngại nợ công thiếu an toàn

08:20, 11/06/2014
Chiều 10-6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Hai vấn đề gây nhiều chú ý trong phần chất vấn người đứng đầu ngành tài chính là nợ công và quản lý giá xăng dầu.

Tái cơ cấu lại nợ công

Chất vấn về nợ công, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn: Báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng nợ công an toàn nhưng liệu có thực sự an toàn và giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia? Cùng chung nỗi lo, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), đề nghị Bộ Tài chính cho biết tổng số nợ mà Chính phủ cho vay lại và nợ do Chính phủ bảo lãnh là bao nhiêu? Có khoản vay nào, bảo lãnh nào doanh nghiệp không trả được khiến Chính phủ phải trả?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, xét về số tuyệt đối, nợ công đang tăng lên và để đánh giá nợ công có bền vững hay không cần tính đến cơ cấu nợ cùng khả năng trả nợ. Hiện nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội phê chuẩn. Xét trên GDP nợ công không có nhiều thay đổi qua các năm từ 2010 đến nay.

Còn trong nợ Chính phủ, cơ cấu là 50% nợ nước ngoài, 50% nợ trong nước là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác. Tuy nhiên, những năm qua kinh tế khó khăn nên việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu có thời gian huy động ngắn là 3, 5 năm trong khi thời hạn 10, 15 năm ít và hiện 30% huy động trong nước đang để trả nợ cho các khoản vay 1 - 3 năm.

“Đây là vấn đề rất hệ trọng, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ cần có giải pháp cơ cấu lại nợ công. Trên thực tế, từ cuối năm 2013 đến nay thời hạn huy động trái phiếu có thời hạn 5, 10 năm đã tăng dần tỷ trọng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Về vấn đề khả năng trả nợ, theo tính toán, đến cuối năm 2013, tỷ lệ trả nợ trên tổng thu ngân sách chiếm khoảng 25% nhưng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong huy động có khoảng 10% là vay đảo nợ và điều này không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ.

Do vậy, tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách chỉ nằm ở mức 20% - 21%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là việc bố trí ngân sách, huy động vốn trong nước để phục vụ cho đầu tư phát triển phải tính toán trong dài hạn hơn khi nền kinh tế; thị trường tài chính tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn. Không chi tiết vào câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại chiếm 6,9% GDP. Năm 2014 là 96.000 tỷ đồng, cho vay lại 60.000 tỷ đồng. Tính đến năm 2013, dư nợ Chính phủ là hơn 760.000 tỷ đồng và cho vay lại là hơn 200.000 tỷ đồng.

Về giải pháp tái cơ cấu lại nợ công thời gian tới, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đó là tăng tỷ trong vay dài hạn; tiếp tục đánh giá lại nợ công; tăng cường quản lý hiệu quả các khoản vay, phòng ngừa lãng phí, dàn trải; chủ động giảm dần bội chi, hạn chế tối đa tạm ứng vốn ngân sách; tập trung phát triển thị trường trái phiếu…

 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Hiện nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội phê chuẩn" ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu): "Nợ công liệu có an toàn và giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?"

Tái cơ cấu lại nợ công

Liên quan đến quan ngại của ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) về việc bội chi hiện nay không chỉ dành cho đầu tư mà còn cho trả nợ và điều này liệu có ảnh hưởng đến chiến lược về giảm bội chi đến 2015 và 2020 (lần lượt còn 4,5% và 4%) theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những năm qua, kinh tế khó nhưng yêu cầu về chi lại tăng, nhất là cho cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo. Trong khi đó, huy động lại khó khăn.

Chính vì vậy, những năm tới, yêu cầu được đặt ra là tiếp tục thắt chặt chi tiêu, đặc biệt chi thường xuyên và nâng cao hiệu quả chi tiêu để dành tiền giảm bội chi, phục vụ đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…

Chuyển quyền quản lý giá xăng dầu: lo ngại xung đột quyền lợi

Vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm là việc quản lý giá xăng dầu. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn, giá xăng dầu đã nhiều lần được đề cập về thiếu minh bạch, nhập nhằng lỗ, lãi trong kinh doanh. Để khắc phục, Chính phủ đã tiến hành sửa đổi Nghị định 84 (về kinh doanh xăng dầu) nhưng đã 3 năm nay chưa hoàn thành, trách nhiệm không ban hành đúng tiến độ?

Tại sao dự thảo sửa đổi lại đưa quyền quản lý nhà nước về giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương? Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nghị định 84 hiện hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, đã đề cao tinh thần điều hành giá theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được điều tiết như van điều hành mỗi khi giá xăng dầu thế giới lên cao hay xuống thấp. Để công khai mặt hàng này, Bộ Tài chính đã công bố thường xuyên hàng quý tình hình trích lập quỹ, giá cơ sở để người dân biết. Tuy nhiên, do Nghị định 84 bộc lộ một số bất cập nên Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì sửa đổi với quan điểm rút ngắn thời gian tính giá cơ sở xuống còn 15 ngày, thời gian tăng là 10 ngày… nhằm đưa giá mặt hàng này bám sát thị trường hơn.

Dự thảo này đã được báo cáo Thủ tướng và Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Công thương chỉnh sửa lần cuối trước khi được ban hành trong thời gian ngắn tới.

Xung quanh việc chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương, theo người đứng đầu ngành tài chính, đó là điều bình thường vì theo Luật Giá, Bộ Tài chính chỉ quản lý nhà nước về giá và hướng dẫn việc thanh tra, kiểm tra còn bộ quản lý ngành điều hành giá cụ thể. “Bộ Tài chính với trách nhiệm của mình vẫn thanh tra, kiểm tra; vẫn song hành cùng Bộ Công thương chủ trì để điều hành mặt hàng này minh bạch”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trấn an.

Chia lửa về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, dự thảo nghị định sửa Nghị định 84 sắp tới sẽ tập trung vào khắc phục các bất cập theo hướng: giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, tần suất điều chỉnh, thời gian tính giá cơ sở ngắn hơn; tạo điều kiện cho kinh doanh xăng dầu có sự cạnh tranh hơn; sử dụng hiệu quả hơn Quỹ bình ổn…

Nhận trách nhiệm về việc ban hành chậm nghị định sửa đổi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, Bộ Công thương sẽ cùng các bộ, ngành trình trong thời gian sớm nhất để ban hành.

Xung quanh việc chuyển quản lý giá xăng dầu sang Bộ Công thương, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công thương cũng không muốn điều này và vẫn đề xuất Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì. “Thật ra Bộ Tài chính cũng không phải cơ quan quyết định giá xăng dầu mà chỉ là tổ trưởng tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu.

Nghĩa là Bộ Công thương không đồng ý thì Bộ Tài chính cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết. Việc đổi vai cũng vậy. Cơ chế hiện nay là liên ngành chứ không phải một bộ quyết định. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng sẽ chấp nhận sự phân công” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích thêm.

Có ý kiến thêm về vấn đề này, ĐB Lê Thị Nga vẫn lo ngại, việc chuyển quyền điều hành này về Bộ Công thương hoàn toàn không khách quan vì Bộ Công thương vừa là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cơ quan quản lý về cạnh tranh, quản lý thị trường. Nếu được giao quyền điều hành giá khó tránh được xung đột trách nhiệm, khó đảm bảo sự khách quan. Đề nghị Chính phủ cần thận trọng.

Trong sáng nay (11-6), Quốc hội sẽ còn dành thời gian để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG: Chất vấn thẳng thắn để giải quyết 4 “món nợ”

Chiều 10-6, phát biểu bắt đầu phiên chất vấn tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nội dung để tiến hành chất vấn. Thứ nhất, vấn đề tài chính nổi lên là tài chính với nợ công, giải quyết nợ xấu, thu thuế, ngân sách. Thứ hai là vấn đề giáo dục - quốc sách hàng đầu, trong đó nổi lên là chất lượng GD-ĐT; tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên, công nhân được đào tạo ra trường thiếu việc làm, tính mất cân đối giữa chất lượng GD-ĐT và yêu cầu của đất nước.

Quốc hội mong muốn sau khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Trung ương, ngành GD-ĐT triển khai nghị quyết thế nào, đánh giá những tồn tại đó ra sao để giải quyết những bức xúc trong GD-ĐT, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Thứ ba là vấn đề đổi mới, cải cách thể chế. Đây là vấn đề đột phá mà Đảng đã đề ra, rất cần thiết cho đất nước.

Thực hiện các nghị quyết, luật, pháp lệnh, nghị định đòi hỏi phải khẩn trương, chính xác, thể hiện tính thống nhất của pháp luật. Đang nổi lên vấn đề nợ văn bản pháp luật chưa giải quyết được. Thứ tư, Quốc hội lựa chọn vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo, thanh tra, phòng chống tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực...

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, “4 món nợ lớn” gồm nợ công, nợ thu ngân sách, thuế; nợ việc làm; nợ văn bản; nợ các biện pháp cần thiết để đấu tranh phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng... đang rất đọng, cử tri cả nước đòi hỏi phải giải quyết. Thời tiết rất nóng, báo chí cũng nói Quốc hội nóng từ biển Đông, hải đảo tới kinh tế, xã hội, an ninh.

Nhưng Quốc hội không nóng, mà rất bình tĩnh, sáng suốt, với tinh thần dân chủ, cởi mở thẳng thắn, đồng thời phát huy được trí tuệ của mình trong giải quyết vấn đề. “Chất vấn cần thẳng thắn, cởi mở, trao đi đổi lại để giải quyết thật tốt 4 món nợ đó” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 


ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Rất lo lắng với con số 2 triệu tỷ đồng nợ công

Chúng ta có thể thấy bội chi ngân sách liên tục tăng trong những năm vừa qua. Cứ tăng hoài lấy đâu tiền trả nợ? Năm 2011 bội chi là 112.034 tỷ đồng; 2012 là 154.126 tỷ đồng; 2013 là 190.250 tỷ. Tốc độ tăng bội chi nhanh qua các năm: 37,6% năm 2012; 23,4% năm 2013. So với lạm phát đã được kiểm soát được thì điều này rất khó chấp nhận.

Vì trước chúng ta hay đổ thừa bội chi là do lạm phát, nay lạm phát đã giảm thì bội chi vẫn liên tục tăng, khiến nợ công vẫn tăng. Nợ công so với GDP thì vẫn an toàn, nhưng số tuyệt đối hiện nay thì rất đáng lo lắng. Ví dụ nói nợ công bằng 53% GDP thì thấy rất nhẹ, nhưng nói con số nợ là 2 triệu tỷ đồng thì lại thấy rất lo lắng so với khả năng tích lũy của chúng ta.

Kỷ luật ngân sách cũng cần phải nghiêm khắc. Ví dụ quyết toán ngân sách 2012 có những điểm mà Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ lưu ý, như việc chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán; có tới 20/34 tỉnh thành chi quản lý hành chính vượt 30%.

Trong tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được việc này. Đề nghị phải thu hồi, địa phương phải chịu trách nhiệm. Trong quyết toán 2012, tổng chi ngân sách là con số rất lớn: trong khi Quốc hội duyệt dự toán là 903.100 tỷ đồng, nhưng quyết toán là 978.463 tỷ đồng. Ngoài ra, con số bội chi năm 2012 cũng rất lớn, dự toán là 140.200 tỷ đồng, nhưng khi quyết toán là 154.126 tỷ đồng, tức là có xu hướng tăng thêm 13.000 tỷ đồng.

Nhưng tại sao so với GDP thì nó lại không đổi, so với GDP thì bội chi vẫn là con số 4,8%? Đây là những con số rất đau đầu. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện nghiêm khắc kỷ luật tài chính, trong đó có việc sửa luật ngân sách để gắn trách nhiệm của các địa phương với các khoản thu, chi của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, cần kiểm tra giám sát chặt chẽ thu chi. Cần tiếp tục tăng đầu tư công có giám sát để bảo đảm hiệu quả chặt chẽ, nhưng trên cơ sở tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, nhất là ở lĩnh vực chi thường xuyên đối với DNNN, cán bộ, công chức... để dành nguồn đầu tư cho quốc phòng.

 

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 3 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 4 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.