SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Linh hoạt, bám sát thực tiễn trong triển khai kế hoạch năm học 2021-2022

07:32, 13/10/2021
(SHTT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022 diễn ra trong chiều ngày 12/10 vừa qua.

Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ GD&ĐT về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022.

Báo cáo Phó Thủ tướng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc tổ chức dạy học năm 2021-2022 đã được các địa phương triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 của từng tỉnh, thành phố.

GIAO DUC 02

 

Đến ngày 12/10, trên cả nước đã có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh, trẻ em (cùng gia đình) di chuyển từ các tỉnh, thành phố về quê. Các Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại nơi cư trú, bố trí lớp học theo đúng đối tượng, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch của nhà trường.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời điểm kết thúc năm học 2021-2022 sẽ linh hoạt. Đối với những nơi có dịch, tùy vào tình hình thực tế, có thể kết thúc năm học muộn hơn. Tuy nhiên, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, hình thức học trên truyền hình, hỗ trực tuyến vẫn là công cụ để bổ trợ, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao khả năng tự học của học sinh. Việc ban hành chương trình học cốt lõi được áp dụng trong thời gian học trực tuyến cũng như học trực tiếp, sau đó mới củng cố, mở rộng kiến thức.

Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, tăng cường chuẩn hoá đề thi trắc nghiệm, có thể tổ chức nhiều đợt tuỳ theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi.

Đối với việc triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, tính đến ngày 12/10, ngành giáo dục đã huy động, vận động khoảng 66,82 tỷ đồng và hơn 800.000 thiết bị theo cam kết tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết đến thời điểm này, 100% các điểm cần phủ sóng Internet để bảo đảm học trực tuyến cho các em học sinh ở vùng dịch đã được hoàn thành. Nguồn kinh phí để mua 1 triệu thiết bị học trực tuyến cho học sinh đã có đủ. Các nhà tài trợ đã và đang thực hiện việc mua sắp các thiết bị học trực tuyến nhưng gặp khó khăn về nguồn cung.

Dự kiến, đến hết tháng 11/2021, 100.000 thiết bị học trực tuyến đầu tiên sẽ đến tay các em học sinh. Mong muốn của Bộ TT&TT, các đơn vị tài trợ là đến cuối năm 2021 sẽ đạt mục tiêu cung cấp 1 triệu thiết bị học trực truyến cho học sinh nhưng trong trường hợp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 thì chậm nhất là trong quý I/2022 chương trình này sẽ hoàn thành.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trong điều kiện dịch COVID-19 tác động gây ra nhiều khó khăn, ngành giáo dục đã có nhiều cách làm mới, đáng khích lệ, đặc biệt trong việc thúc đẩy thêm một bước đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, tự học của học sinh, phân biệt được những nội dung có tính cốt lõi và nội dung bổ trợ với nhiều hình thức linh hoạt. Việc đánh giá học sinh học trên lớp, học trực tuyến đã hình thành những phương pháp tốt. Cùng với đó, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh Đại học cơ bản đạt yêu cầu đề ra.

Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước. Đến nay, nhiều địa phương chưa cho học sinh học trực tiếp. Trong khi đó, điều kiện học tập trực tuyến không đồng đều, nhiều trẻ em nghèo trong các vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ TT&TT nỗ lực hơn nữa để sớm có thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT lưu ý các kiến nghị của doanh nghiệp về miễn phí lưu lượng băng thông, sử dụng phần mềm học trực tuyến và cách thức tính toán để đảm bảo đúng các quy định, trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh phủ sóng Internet, kể cả ở vùng không có dịch vì học trực tuyến, học trên truyền hình vẫn là phương thức học bổ trợ lâu dài.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt yêu cầu sự chú ý tới an toàn an ninh thông tin của môi trường giáo dục trẻ em. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT, các đơn vị viễn thông, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để sớm hình thành những phần mềm, ứng dụng học trực tuyến đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh.

GIAO DUC 01

 

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, ngành giáo dục cần sẵn sàng các khâu chuẩn bị để công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021-2022, đánh giá kết quả học tập, chất lượng học sinh cũng như tổ chức kết thúc năm học linh hoạt trong mọi tình huống; có phương án dự phòng các hoạt động bổ trợ kiến thức cho học sinh trong thời gian tiếp theo.

Trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, việc thẩm định, xuất bản và đưa sách giáo khoa đến học sinh và gia đình được triển khai tương đối tốt. Bộ GD&ĐT tiếp tục sát sao hơn nữa trong công tác đổi mới chương trình, chuẩn bị và đưa sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu”.

Từ kinh nghiệm phân phối sách giáo khoa trong điều kiện dịch bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng, giải pháp thực hiện tuyển chọn, thẩm định, xuất bản sách giáo khoa, thống nhất nhu cầu của từng bộ sách và ứng dụng đặt mua trực tuyến đưa sách đến tận tay học sinh đã khắc phục được tình trạng sách giả. Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch tiếp tục đổi mới công tác trang bị dụng cụ học tập trong nhà trường; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; thay thế một số học cụ, công cụ bằng các công cụ công nghệ thông tin.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương, các nhà trường củng cố cơ sở vật chất trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gắn với việc bảo đảm Internet cũng như các yếu tố đáp ứng việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương sớm tu sửa, quan tâm đến những hạ tầng thông tin để khi học sinh, giáo viên trở lại trường lớp khang trang, sạch sẽ và đáp ứng được yêu cầu học tập hiện nay, trong đó có học trực tuyến.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục bám sát vào Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29/NQ-TW) để tiến hành sơ kết, tổng kết từng nhiệm vụ đã triển khai, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Thái An

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 21 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.