Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 mang tới nhiều dấu ấn sáng tạo trẻ
Tiếp nối các mùa lễ hội trước, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay tiếp tục là nơi quy tụ các tài năng sáng tạo trẻ của Thủ đô, góp sức tạo nên những công trình, hoạt động sáng tạo hấp dẫn, tươi mới phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng Thủ đô. Từ các công trình kiến trúc, các cuộc trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động cộng đồng, tọa đàm, hội thảo... đều có dấu ấn của những người sáng tạo trẻ.
Các không gian nghệ thuật, hoạt động sáng tạo được tổ chức tại các công trình kiến trúc cổ của Hà Nội như: Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Tổng hợp, Cung Thiếu nhi Hà Nội... là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới, để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc, thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa của Hà Nội - Thành phố Sáng tạo.
Với quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là một giải pháp kích hoạt tiềm năng sáng tạo trong cộng đồng. Lễ hội tập trung vào ba trụ cột: Thiết kế-Cộng đồng-Sáng tạo.
Khu vực diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, nơi kết nối trục "Tinh hoa di sản" phố Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông; trục "Kinh tế sáng tạo" dốc Bác Cổ-phố Tràng Tiền gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên và các không gian văn hóa: Hồ Hoàn Kiếm, 5 vườn hoa: Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn.
Được chọn để tổ chức các hoạt động chính của Lễ hội, Cung Thiếu nhi Hà Nội có rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia tương tác của giới trẻ. Đó là công trình pavilion "Hành lang Ấu Trĩ" trở thành một không gian để kết nối, tạo điều kiện cho cả trẻ con và người lớn, những lớp thế hệ khác nhau đều có cơ hội để chơi, để xem trưng bày, để học hỏi, để trò chuyện và tương tác.
Triển lãm "Không gian đập thở - Thời gian tăm tích" kết hợp trình chiếu chuỗi phim, video và sắp đặt tương liên với kiến trúc tạo thành trải nghiệm thị giác đặc biệt, đưa đến người xem những suy tưởng về cuộc sống, quá khứ và giá trị tốt đẹp đã từng có.
Hay "Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai" bao gồm các hoạt động sáng tạo như sắp đặt, sáng tạo, công trình biểu tượng, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật.
Đến với không gian sáng tạo tại Cung Thiếu nhi Hà Nội có rất nhiều trẻ em tham gia vẽ tranh trên sân hay chơi đùa trên cát dọc "Hàng lang thơ ngây".
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 hướng đến mục đích không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thi Lan Anh cho biết, các hoạt động sáng tạo được tổ chức còn nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc. “Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội luôn là nơi để các tài năng sáng tạo trẻ thử sức, thể hiện khả năng và tỏa sáng. Trong quá trình phát triển “Thành phố sáng tạo” nói riêng, công nghiệp văn hóa Thủ đô nói chung, giới trẻ luôn được quan tâm, bởi đây là một nguồn lực sáng tạo tiềm năng, dồi dào thúc đẩy thành phố phát triển”, bà Lan Anh chia sẻ.
Hà Châu