SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Lão nông gìn giữ 'măng Cụt Lái Thiêu' với khát khao xuất khẩu

07:13, 03/05/2023
Thừa hưởng vườn măng cụt từ thế hệ cha ông, ông Tú luôn đau đáu gìn giữ, phát triển vườn cây và mong muốn một ngày nào đó đặc sản này có thể xuất khẩu để tương xứng với giá trị của nó.

Bình Dương là địa phương có tốc độ đô thị hoá cao nhất cả nước với 4 thành phố (cùng với Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước).

Mặc dù tốc độ đô thị hoá chóng mặt nhưng khi đến TP Thuận An, đặc biệt là những phường xã như: Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu, nhiều người không khỏi bất ngờ khi những vườn cây trái rộng lớn có tuổi thọ trăm năm vẫn được gìn giữ, phát triển để khai thác kinh tế, tạo mảng xanh cho thành phố.

Những vườn cây trái khủng này được gọi chung là “vườn cây trái Lái Thiêu”, địa danh nổi tiếng hàng trăm năm nay với nhiều loại cây trái đã thành đặc sản như: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ…

Gìn giữ thương hiệu “măng cụt Lái Thiêu” trước đô thị hoá

Để được thương hiệu “vườn cây trái Lái Thiêu” và gìn giữ, phát triển được đến ngày hôm nay là thành quả của người dân và nỗ lực của chính quyền khi có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và ngăn chặn tình trạng phân lô tách thửa.

Trong thời tiết nóng nực của mùa khô ở Bình Dương, khi đi vào “vườn cây trái Lái Thiêu” (phường An Thạnh, TP Thuận An) chúng tôi như được phả hơi lạnh của máy điều hoà, cảm giác như về với vùng quê thanh bình, yên ả.

Tại đây, chúng tôi được ông Tôn Thất Tú (chủ vườn cây măng cụt) dẫn đi tham quan với giọng điệu đầy tự hào khi vườn cây măng cụt hơn 1ha của ông đã trải qua 4 đời nhưng vẫn gìn giữ được và cho cây trái sai quả. Ông Tú chia sẻ, ngày xưa khu vực ông đang ở hầu hết là các vườn cây trái bạt ngàn với đa dạng chủng loại, trong đó măng cụt được trồng phổ biến nhất.

04

 Vườn cây măng cụt của ông Tôn Thất Tùng.

Người dân ở đây tồn tại, có của ăn, của để nhờ vào nguồn thu nhập từ bán trái cây. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, diện tích trồng cây trái suy giảm mạnh, tình trạng phân lô tách thửa tràn lan khiến những người yêu nông nghiệp như ông không khỏi xót xa, tiếc nuối khi nhìn vườn cây lâu đời bị đốn hạ.

“Tôi thấy xót khi nhiều vườn trái cây ở đây bị đốn hạ thay thế bằng nhà hàng, nhà cao tầng. Nếu có điều kiện, tôi đã mua lại những mảnh vườn đó để gìn giữ, khai thác kinh tế hiệu quả”, ông Tú nói.

Ông chủ vườn măng cụt cho biết ở vùng đất này thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại trái cây, đặc biệt là măng cụt. Cây măng cụt rất dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều, ít bị sâu bọ, chi phí thấp. Quan trọng nhất là đê bao tưới tiêu để giữ nước vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa. Tuổi thọ của cây để khai thác kinh tế hiệu quả có thể kéo dài gần trăm năm.

Với những ưu thế đó, ông cho rằng nếu người trồng cây biết tận dụng cây măng cụt vừa cho giá trị kinh tế lớn, vừa tạo mảng xanh cho thành phố, giúp điều hoà khí hậu.

02

 Theo ông Tú, năm nay măng cụt được mùa nên nhiều nông dân sẽ có thu nhập cao.

Với hơn diện tích 1ha cây măng cụt, trung bình mỗi năm vườn cây nhà ông Tú cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Măng cụt Lái Thiêu có thương hiệu riêng, không có đối thủ cạnh tranh nên đến mùa không đủ để cung cấp ra các tỉnh thành khác mà chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Thậm chí, chưa đến mùa thu hoạch thương lái đã đặt hàng trước, trực tiếp đến hái để chắc chắn có hàng bán”, ông Tú chia sẻ và mong muốn măng cụt Lái Thiêu sẽ được nhân rộng và có mặt tại các thị trường nước ngoài.

Rời vườn măng cụt ông Tú, chúng tôi được dẫn tới những vườn măng cụt bạt ngàn khác. Trong đó, có những vườn măng cụt cổ thụ có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm vẫn cho cây trái sai trĩu quả. Xen kẽ những vườn cây trái là những dãy nhà phố, nhà hàng, khách sạn…

“May mắn chính quyền địa phương đã có chính sách gìn giữ, phát triển “vườn cây trái Lái Thiêu”, ngăn chặn tình trạng phân lô tách thửa không thì có lẽ bây giờ khu vực này đã thành khu đô thị rồi. Đã đến lúc người dân có trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với xã hội để bảo tồn “vườn cây trái Lái Thiêu”, bảo vệ môi trường sống, xây dựng khu vực này thành “lá phổi xanh” của thành phố”, ông Tú cho nhấn mạnh.

Khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch

Ngoài việc trồng để bán quả, hiện nay nhiều chủ vườn đã phát triển vườn cây thành cơ sở du lịch sinh thái cho du khách đến tham quan, thưởng thức đặc sản. Đây cũng là chủ trương của tỉnh, thành phố nhằm phát triển, đưa thương hiệu “vườn cây trái Lái Thiêu” đến với du khách thập phương.

223455

 Cây măng cụt sai quả.

Bà Nguyễn Kim Hương (chủ vườn cây Hồng Vân) cho biết vườn cây trái của bà hơn 2ha với nhiều loại cây trồng như: Măng cụt, Sầu Riêng, Mít… Ngày xưa bà trồng cây chủ yếu để bán nhưng hơn chục năm trở lại đây, cơ sở này đã xây dựng, phát triển vườn cây thành địa điểm du lịch sinh thái.

Đến đây du khách sẽ được tham quan, trực tiếp hái, thưởng thức trái cây và ăn những món đặc sản được làm từ trái cây như: Gỏi gà măng cụt, gỏi tôm măng cụt, gà nướng sầu riêng, cá lóc hấp sầu riêng…

Với hướng đi mới nhưng vẫn gìn giữ được vườn cây trái, mỗi năm chủ vườn cây Hồng Vân đem thu nhập hơn nhiều lần so với việc chỉ khai thác bán trái cây.

“Bây giờ dịch vụ du lịch sinh thái rất phát triển, du khách rất ưa chuộng. Với lợi thế có đường sông bao xung quanh, vườn cây trái với nhiều loại đặc sản và những loại đặc sản này lại chế biến được những món ăn ngon không thua gì sơn hào hải vị thì tại sao mình lại không biết nắm bắt?

2233

 Dịch vụ du lịch sinh thái, hái trái cây tại vườn, thưởng thức món ăn từ trái cây trở nên hot ở đây.

Tôi hi vọng người dân trồng cây trái ở đây đoàn kết, biết tận dụng xây dựng được hệ sinh thái du lịch đủ lớn để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như gìn giữ vườn cây trái không bị đô thị hoá”, bà Hương mong muốn.

Ông Đỗ Thanh Sử - Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An - cho biết địa phương đã có nhiều giải pháp hạn chế tối đa việc phân lô tách thửa và đã có chính sách cụ thể; trong đó, hạn mức diện tích xây dựng trong vườn cây, quy hoạch khu vực này là khu vực du lịch sinh thái vườn nên chỉ được sử dụng tối đa 25% diện tích.

Đồng thời, địa phương sẽ thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng để cùng người dân lưu giữ những vườn cây ăn trái nổi tiếng, lâu đời này.

5566

 Món gỏi gà măng cụt trở thành đặc sản Bình Dương.

Để hỗ trợ các nhà vườn, địa phương còn chi hơn 21 tỷ đồng phân bón, ngày công chăm sóc; đầu tư, nâng cấp, nạo vét kênh rạch, các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn…

Đến nay, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "măng cụt Lái Thiêu" cho nông dân, sắp tới, nhiều chủng loại trái cây đặc sản khác sẽ tiếp tục được đăng ký.

Việc này vừa gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp để cùng bảo tồn chất lượng trái cây đặc sản của địa phương vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, làm tăng thêm giá trị vườn cây.

Quang Hải

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 11 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 11 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.