Lào Cai: Tồn hàng nghìn tấn sa nhân và thảo quả
Theo ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NNPT-NT tỉnh Lào Cai, trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã tăng cường quản lý việc trồng, chế biến và kinh doanh thảo quả, sa nhân trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm thiểu tác hại đến rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời hướng tới chuyển đổi cây thảo quả sang nuôi trồng các giống cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn, dần dần hướng tới sẽ xóa bỏ cây thảo quả trong rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh.
Tổng diện tích canh tác thảo quả trên địa bàn toàn tỉnh là 12.492ha; diện tích sa nhân là 2.485ha. Theo số liệu của Hội thảo quả tỉnh Lào Cai, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn tồn khoảng 3.000 tấn thảo quả (khô) và 1.000 tấn sa nhân (khô) và đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Trước kia mặt hàng thảo quả và sa nhân (khô) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới hình thức kinh doanh biên mậu, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Tuy nhiên từ đầu năm 2019 phía Trung Quốc tăng cường công tác quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn ngốc đối với hàng hóa nông sản Việt Nam trong đó có mặt hàng thảo quả, sa nhân (khô), nên việc tiêu thụ mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, mặt hàng thảo quả và sa nhân (khô) chưa có trong danh mục được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
"Để tránh thiệt hại cho người sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân kinh doanh xuất khẩu thảo quả và sa nhân, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm thảo quả và sa nhân khô; bổ sung mặt hàng thảo quả, sa nhân vào danh mục hàng hóa nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc", ông Lê Tân Phong nói.