SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Lào Cai: Nếu thủy điện Tà Thàng vỡ đập, ai sẽ chịu trách nhiệm?

11:30, 08/07/2019
(SHTT) - Hoạt động 6 năm nhưng thủy điện Tà Thàng chưa được kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng của cơ quan chức năng. Vấn đề đặt ra là, lỗi đó do đâu, và nếu thủy điện Tà Thàng vỡ đập, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Không thực hiện chứng nhận an toàn thủy điện

Thông tin về những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng thủy điện Tà Thàng (Lào Cai) không phải là thông tin mới. Những sai phạm đó đã được chỉ rõ tại kết luận thanh tra số 17/KL-TT ngày 30/7/2018 của Thanh tra tỉnh Lào Cai (sau đây gọi là Kết luận Thanh tra), cũng như đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh ở những khía cạnh khác nhau trong thời gian qua.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến dư luận và người dân sống ở khu vực bị ảnh hưởng của thủy điện không khỏi băn khoăn, đó là việc, dù đã hoạt động 6 năm nay nhưng thủy điện Tà Thàng chưa được kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng của cơ quan chức năng, nguyên nhân do đâu, và nếu thủy điện Tà Thàng vỡ đập, ai sẽ chịu trách nhiệm.

IMG 7790

Đập thủy điện Tà Thàng. 

Theo Điều 28, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, đối với các công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa phải được kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng. Thủy điện Tà Thàng thuộc loại công trình bắt buộc thực hiện kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng.

Quy định pháp luật rõ ràng là vậy, đòi hỏi phải chấp hành nghiêm ngặt (bắt buộc), tuy nhiên, Chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Tà Thàng đã không chấp hành. Kết luận Thanh tra nêu rõ vi phạm và trách nhiệm: “Công trình xây dựng nhà máy thủy điện Tà Thàng thuộc nhóm công trình quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 28 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ nên phải được kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng nhằm đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra xác định công trình này không thực hiện việc kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định. Căn cứ Điều 37 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP thì việc để ra sai sót này trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư;…”.

Coi thường pháp luật hay chây ỳ khắc phục?

Sau Kết luận thanh tra, tính tới cuối tháng 3/2019, một số tồn tại chủ yếu tại dự án Nhà máy thủy điện Tà Thàng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có việc chưa nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Vì sao lại có tính trạng này, có hay không việc chây ỳ thực hiện Kết luận thanh tra từ phía Chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex?

Tại cuộc họp về kết quả thực hiện Kết luận Thanh tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng kết luận: Yêu cầu Công ty Cổ phần điện Vietracimex Lào Cai (công ty thành viên của Tổng công ty Vietracimex được giao nhiệm vụ đại diện Chủ đầu tư trực tiếp quản lý vận hành dự án) nghiêm túc hợp tác, phối hợp với ngành, địa phương của tỉnh để giải quyết, khắc phục các tồn tại của dự án thủy điện Tà Thàng theo Kết luận Thanh tra; nếu không hợp tác thì UBND tỉnh Lào Cai sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

20121014112129_b

Vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3, ngày 7/10/2012 (ảnh: Tuổi trẻ).

Động thái này của lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai không phải không có lý do, khi trước đó, nhiều cuộc họp được UBND tỉnh tổ chức để giải quyết vướng mắc nhưng Vietracimex Lào Cai cũng không phối hợp, không tham gia họp cũng không có lý do phản hồi. Phải chăng Vietracimex Lào Cai đang “coi thường” chính quyền tỉnh Lào Cai, hay đây là sự “mặc kệ” của chủ đầu tư, sau khi mục đích vận hành nhà máy điện, bán điện đã trở thành hiện thực? (phát điện hòa lưới tháng 10/2013. 4 năm đầu, nhà máy phát 1.026 triệu KWh, trung bình đạt 256,5 triệu KWh/năm. Doanh thu hàng năm trung bình đạt 235 tỷ đồng).

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là liệu chủ đầu tư sẽ thực hiện thế nào, đến bao giờ thực hiện xong việc kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với nhà máy thủy điện Tà Thàng.

Theo quy định pháp luật, việc kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với công trình này phải được thực hiện ngay từ khi khởi công công trình. Theo đó, sau mỗi đợt kiểm tra, tổ chức thực hiện chứng nhận phải có báo cáo nhận xét, đánh giá bằng văn bản về chất lượng và công tác quản lý chất lượng các công việc đã kiểm tra gửi chủ đầu tư và các bên có liên quan. Trong quá trình kiểm tra, nếu nghi ngờ những nội dung liên quan đến nội dung chứng nhận thì tổ chức chứng nhận đề nghị các bên có liên quan làm rõ, trường hợp cần thiết, đề nghị chủ đầu tư tổ chức phúc tra, kiểm định lại. Khi đủ điều kiện cấp chứng nhận, tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận trước khi chủ đầu tư, chủ sở hữu đưa công trình vào khai thác sử dụng. 

Đối với các công trình thực hiện chứng nhận an toàn chịu lực, chứng nhận chất lượng phù hợp theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương thì chủ đầu tư, chủ sở hữu có trách nhiệm gửi 01 giấy chứng nhận này kèm theo báo cáo kết quả kiểm tra và biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình hoặc hạng mục công trình được chứng nhận cho cơ quan này để kiểm tra và quản lý.

Pháp luật cũng quy định rõ, Giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với công trình là căn cứ để chủ đầu tư, chủ sở hữu đưa công trình vào sử dụng.

Vậy, vì sao Vietracimex không thực hiện nghĩa vụ nói trên, do không biết hay cố tình không thực hiện? Nếu coi Giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với công trình là căn cứ để đưa công trình vào sử dụng, thì Bộ Công thương có bỏ qua căn cứ trên để phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Tà Thàng (ngày 18/4/2013)? Cũng như Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) căn cứ vào đâu để cấp phép hoạt động điện lực cho Nhà máy thủy điện Tà Thàng (ngày 26/9/2014)? Và đề nghị của UBND tỉnh Lào Cai đối với Bộ Công thường về việc xem xét lại cấp giấy phép hoạt động điện lực (lĩnh vực phát điện) thủy điện Tà Thàng nên được xem xét như thế nào, liệu có bỏ qua điều kiện về chứng nhận bảo đảm an toàn chất lượng công trình?

Ở khía cạnh khác, việc cho phép thủy điện Tà Thàng hòa lưới điện quốc gia khi chưa tuân thủ những điều kiện căn bản về bảo đảm chất lượng công trình thủy điện, có phải là gián tiếp tiếp tay cho việc chây ỳ khắc phục các vi phạm, tồn tại ở dự án này?

Tính tới cuối tháng 3/2019, nhà máy thủy điện Tà Thàng chưa thực hiện nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, chưa được thuê đất, cấp GCN quyền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ ngân sách về đất, còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 5,2 tỷ đồng.

Trong khi các tồn tại chậm được khắc phục, thì người dân vùng thủy điện vẫn phải sống hàng ngày với lo lắng về một thảm họa không phải không có cơ sở, nếu đập thủy điện bị vỡ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm (?). Liệu tinh thần trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của của Chủ đầu tư với nhà nước và chính quyền địa phương như thời gian qua có đủ để người dân tin tưởng, yên tâm về chất lượng công trình?

Việc vỡ đập thủy điện ở Việt Nam không phải chưa từng xảy ra. Ngày 7/10/2012, sau 2 năm thi công, đập chắn thủy điện Đakrông 3 vỡ tung. Nhà máy này do Công ty cổ phần thủy điện Trường Sơn làm chủ đầu tư, đặt trên địa bàn xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị. Sự cố đã kéo theo hàng chục tấn hoa màu của các hộ dân ở 2 xã Tà Long và Đakrông cũng bị mất trắng. Điều đáng nói, theo xác nhận của lãnh đạo huyện Đakrông với báo giới, sự cố xảy ra, nhưng cơ quan quản lý không báo cáo cho huyện biết mà lại còn nói dối. Sau nhiều ngày xảy ra sự cố, người dân vẫn chưa được nhận bất cứ sự đền bù thiệt hại nào.

Phạm Tài

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 15 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 15 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.