Lào Cai: Công bố nhãn hiệu 'Sa nhân Mường Khương' và 'Chè Ô long Cao Sơn'
Những năm gần đây cùng với đẩy mạnh phát triển các cây nông nghiệp chủ lực như ngô, lúa, quýt… đồng bào các dân tộc ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã mở rộng diện tích trồng cây sa nhân dưới tán rừng, bước đầu đã nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào, đồng thời góp phần phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ tài nguyên rừng.
Được biết, Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao khoảng hai đến ba mét, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất. Lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa mầu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Quả cuống ngắn có gai, hình tròn hoặc bầu dục có ba ô mang ba khối hạt mầu nâu sẫm, mùi thơm nồng.
Theo y học cổ truyền, cây sa nhân (hay còn được gọi là súc sa mật) là cây thuốc quý vì có giá trị dược liệu cao, có tác dụng trong việc hành khí, giúp điều trung, hòa vị, kích thích tiêu hóa…. Ngoài công dụng làm dược liệu, cây sa nhân còn dùng chiết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm, nước hoa, dầu gội….
Với lợi thế về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Mường Khương (Lào Cai) ngày càng phát triển diện tích canh tác cây sa nhân.
Ngoài sa nhân Mường Khương, Lào Cai còn nổi tiếng với sản phẩm chè ô long Cao Sơn.
Xã Cao Sơn, huyện Mường Khương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng chè chất lượng cao. Quan tâm giải quyết tốt khâu chăm sóc, thâm canh và sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn sẽ giúp các hộ dân làm giàu từ việc trồng chè tận dụng khí hậu thuận lợi cùng với chất đất phù hợp, địa phương này đã nhanh chóng mở rộng diện tích trồng chè, doanh nghiệp liên kết với nông dân để trồng chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững.
Cây chè Kim Tuyên được huyện Mường Khương đưa vào trồng tại xã Cao Sơn từ năm 2011, được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Nhận thấy được giá trị kinh tế từ giống chè này mang lại, hằng năm, người dân xã Cao Sơn đã chủ động đăng ký trồng mới trên đất nương đồi, thay thế dần diện tích trồng ngô và lúa nương kém hiệu quả.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, "Sa nhân Mường Khương" và "Chè Ô long Cao Sơn" đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu.
Sản phẩm sau khi được bảo hộ sẽ tăng giá trị hàng hóa, quảng bá, khẳng định chất lượng, thương hiệu tới người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Hà Minh