SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Làm sao để ứng dụng hiệu quả ChatGPT trong quản lý Nhà nước?

15:51, 01/03/2023
ChatGPT có nhiều tính năng vượt trội, hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước giải đáp nội dung, xử lý văn bản liên quan đến thủ tục hành chính… Tuy nhiên, để ChatGPT hoạt động hiệu quả, các chuyên gia cho rằng nhà quản lý cần phải hiểu và giỏi hơn để làm chủ ứng dụng này.

ChatGPT với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer - là Chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát hành vào 30/11/2022, dựa trên GPT-3.

Ra đời với nhiều tính năng vượt trội, ChatGPT có chức năng chính như tra cứu thông tin qua câu hỏi, tạo nội dung, dịch thuật và tóm tắt văn bản… Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, viết văn, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình. Do đó, ứng dụng này có khả năng áp dụng hầu hết các ngành nghề.

Tại tọa đàm về “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và Thách thức” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM - cho biết từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, chỉ sau 2 tháng ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu.

324d8824db8d01d3589c

Quan cảnh tọa đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và Thách thức".

Đối với lĩnh vực nhân sự tại các doanh nghiệp, khảo sát 1000 doanh nghiệp được công bố vào ngày 25/2 vừa qua cho thấy, khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Trong đó, khoảng một nửa nhóm này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ, thậm chí cũng đã chính thức thay thế nhân công ở một số vị trí nhất định, giúp tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD khi sử dụng công cụ này. Một số công việc được sử dụng ChatGPT như viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp; viết mô tả công việc, soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và trả lời đơn ứng tuyển.

Đối với lĩnh vực của quản lý Nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định…

“Nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể ứng dụng vào hỗ trợ cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn cho quản lý Nhà nước như việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn thông tin do ChatGPT sinh ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT… Vì vậy, để sử dụng ChatGPT hiệu quả chúng ta cần được tiếp cận một cách thận trọng”, ông Thắng chia sẻ.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM - cho biết ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ khá nhiều cho nhà quản lý như quản lý thông tin, tìm kiếm, phân loại, tổng hợp, soạn thảo nội dung; phân tích, báo cáo số liệu, tư vấn,...

d6da5b7e6fd7b589ecc6

PGS. TS. Đinh Điền cho biết để ứng dụng ChatGPT hiệu quả trong quản lý Nhà nước cần phải hiểu và giỏi hơn ứng dụng để làm chủ nó.

Ông Điền cho biết bình thường một cơ quan hành chính có thể nhận hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu giao cán bộ phân loại sẽ phải mất vài ngày xử lý. Tuy nhiên, khi ứng dụng ChatGPT vào việc phân loại thông tin, thời gian phân loại sẽ nhanh hơn và giúp các nhà quản lý phân loại các phản ánh theo từng nhóm ngành nghề và chuyển tới các phòng ban xử lý theo đúng chuyên môn.

Ngoài ra, ChatGPT là dạng thông tin cá nhân hóa, nghĩa là khi chúng ta quan tâm tới mảng kinh doanh thì công cụ này sẽ tập trung cung cấp và trả lời các thông tin xung quanh mảng kinh doanh, sẽ cho độ chính xác khá cao, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều công sức và thời gian.

ChatGPT mặc dù có nhiều mặt tích cực trong việc quản lý công, nhưng ông Điền cũng cho rằng đây chỉ là một công cụ mang tính hỗ trợ, tham khảo chứ không nên phụ thuộc. Bởi ChatGPT cũng có sai số, thiếu chuẩn xác trong cung cấp kiến thức về lịch sử, kinh tế… Đặc biệt, những câu trả lời của ChatGPT không giống nhau hoàn toàn vì đầu ra phụ thuộc vào cách hỏi, lịch sử hỏi, hàm xác suất và nó không phân được đâu là thông tin đúng và sai.

Ông Điền cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả cần phải hiểu rõ về ứng dụng này, cần học hỏi nhiều hơn, phải giỏi hơn để làm chủ nó. “ChatGPT không phân định được đâu là thông tin đúng và thông tin sai. Muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì người dùng phải tự trang bị kiến thức thông tin kỹ càng để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp", ông Điền nói.

Nhằm phát huy hiệu quả khai thác công cụ ChatGPT, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đã đặt hàng nghiên cứu trong 4 lĩnh vực:

- Ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng về phục vụ Dịch vụ công và trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp...

- ChatGPT cũng được đề xuất hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu, các nội dung liên quan.

- Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đặt hàng ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy cô giáo, học sinh trên địa bàn.

- Nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.

Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 22/4, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) đã trao 100 suất học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng cho các em học sinh trường THPT Cẩm Thủy 1, THPT Cẩm Thủy 2, tỉnh Thanh Hóa.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Tin tức 18 giờ trước
Giải bóng đá khối sở hữu trí tuệ phía Nam lần thứ 11 năm 2024 đã để lại nhiều ấn tượng với những trận tranh đấu kịch tính.
Tin tức 18 giờ trước
Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - HueCIT (6 Lê Lợi, TP Huế) vừa tổ chức khóa đào tạo về các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa thông qua kỹ thuật photogrammetry và VR 360 với sự hỗ trợ của chuyên gia Hàn Quốc.
Tin tức 18 giờ trước
Trong thời gian qua, các tỉnh miền Trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cộng đồng. Điều này trở thành định hướng quan trọng thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản.