SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 13/10/2024
  • Click để copy

Lâm Đồng: ‘Đại bàng gãy cánh’ đã đến lúc cần lấy lại vị thế dẫn đầu

11:35, 13/09/2024
Lâm Đồng từng đánh mất vị thế là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Nguyên vì nhiều hoạt động đầu tư kinh tế “đóng băng”. Đã đến lúc, Lâm Đồng cần “thức dậy” sau giấc ngủ đông để trở lại thành “đại bàng” của khu vực từ những cam kết và hành động cụ thể với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 956 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Như vậy sau một thời gian xảy ra nhiều biến động, bộ máy lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng đã được kiện toàn. Đây là tiền đề, cơ sở để tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các khó khăn, thách thức, đưa Lâm Đồng phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.

Quan trọng hơn, đã đến lúc Lâm Đồng cần lấy lại vị thế của một tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về tăng trưởng GRDP.

Thách thức "bủa vây"

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn, có vị trí địa lý và kinh tế thuận lợi khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích xếp thứ 7 cả nước, địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Đặc biệt, tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn có tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản. Hệ thống giao thông thuận lợi, khá đồng bộ; có nguồn nhân nhân lực khá dồi dào với hệ thống giáo dục đào tạo phát triển,…

Tuy nhiên thời gian qua, nhìn vào một số chỉ số kinh tế - xã hội của địa phương này, nhiều người có thể cảm nhận được bức tranh không thật sự tươi sáng.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư, chỉ số tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) của tỉnh thấp nhất vùng Tây Nguyên, trong khi những năm trước đây, Lâm Đồng luôn đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên về chỉ số GRDP, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Cụ thể, có 582 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 2.676 tỷ đồng, giảm 14% về số doanh nghiệp và 30,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng cao (578 doanh nghiệp), tăng 26,5% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ bằng xấp xỉ 50% dự toán địa phương. Các khoản thuế, phí và lệ phí giảm 11,5% so với cùng kỳ.

anh 01

Lâm Đồng là địa phương có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, kinh tế. 

Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của Lâm Đồng xếp thứ 46 cả nước, giảm 31 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 39 bậc so với năm 2022.

Chỉ sau 1 năm, Lâm Đồng từ một địa phương nằm trong Top đầu của cả nước bỗng “tụt dốc không phanh”,  chỉ sau 1 năm, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từ vị trí thứ 17 xuống vị trí thứ 56/63 tỉnh, thành.

Triệt tiêu những yếu tố kéo lùi môi trường đầu tư kinh doanh

Đã đến lúc, cần phải nghiêm túc đặt câu hỏi tại sao Lâm Đồng lại “sa sút” nhanh chóng đến vậy? Vì đâu một địa phương được “ban tặng” hàng loạt điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế "rót vốn" sản xuất kinh doanh lại bị các "đại bàng" từ chối làm “tổ”?

Lâm Đồng hay bất kỳ địa phương nào cũng phải tuân thủ các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như nhau. Thế nhưng có lẽ, một trong những nguyên nhân nằm ở cách vận hành của hệ thống thực thi pháp luật, của các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững.

Để tháo gỡ những tồn tại, bất cập, hơn lúc nào hết, tỉnh Lâm Đồng cần tạo không gian thân thiện, chuyên nghiệp và cởi mở, để chính quyền, người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Đặc biệt là thực hiện triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tạo nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện và bền vững. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần được đối xử công bằng và tạo điều kiện tối đa để phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó mang lại nguồn thu cho địa phương.

anh 2

Nhiều dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng đang phải chững lại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế địa phương. 

Nhất là trong bối cảnh tỉnh Lâm Đồng đang rốt ráo chuẩn bị đầu tư nhiều dự án quan trọng, như dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt. Các dự án cao tốc kết nối nội vùng, liên vùng có vai trò hết sức quan trọng nhằm khai thác tiềm năng của Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và những khu vực khác.

Trong chặng đường sắp tới, tỉnh Lâm Đồng hay bất kỳ địa phương nào cũng không thể nào thiếu vắng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh Lâm Đồng cũng cần phấn đấu để có được môi trường đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật…

Lâm Đồng cần quyết tâm thống nhất và cam kết đồng hành với doanh nghiệp từ trong nhận thức đến hành động. Đồng thời, các cấp chính quyền không để doanh nghiệp chờ đợi quá lâu, các cơ quan phải phối hợp với nhau để đẩy nhanh thủ tục hành chính và xem xét đề xuất của doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Cần huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp

Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng vào ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tỉnh Lâm Đồng “phải nhìn thẳng vào sự thật” để nhận diện những khó khăn, thách thức, hạn chế cần giải quyết.

Thực tế phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng; chuyển dịch kinh tế còn chậm; cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; năng lực cạnh tranh có phần giảm sút; thu hút FDI chưa đạt mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao.

Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn những sai sót, bất cập; thiên tai diễn biến phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.

Thủ tướng khẳng định Lâm Đồng còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phát trong thời gian tới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động, tích cực hỗ trợ Lâm Đồng trên tinh thần chia sẻ, cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

Hy vọng rằng, với việc kiện toàn hàng loạt chức danh trong bộ máy chính quyền của tỉnh Lâm Đồng vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ đoàn kết, đồng lòng, cùng phát huy trí tuệ, năng lực và sáng tạo để hoàn thành tốt mọi mục tiêu đề ra, đưa Lâm Đồng giữ vững vị thế là một trong những trọng điểm kinh tế khu vực phía Nam.

Nhật Linh

Tin khác

Tin tức 50 phút trước
(SHTT) - Tạp chí Fortune của Mỹ công bố danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024" gồm 100 phụ nữ hàng đầu đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tin tức 51 phút trước
(SHTT) - Theo Thông tư 30/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, nếu xe cơ giới có 50% diện tích màu sơn khác đăng ký sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Tin tức 52 phút trước
(SHTT) - Ngày 12/10, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dự Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại huyện Cẩm Thủy. Cùng dự có đại diện lãnh đạo và các phòng, ban huyện Cẩm Thủy.
Tin tức 54 phút trước
(SHTT) - Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trong việc triển khai Đề án 06, tính đến hết tháng 9/2024, số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu ngành và xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 7.701.971 người.
Tin tức 54 phút trước
(SHTT) - Ngày 11/10/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND triển khai tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025.