SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Kinh tế Việt Nam: Cần đột phá cho phát triển

11:00, 19/05/2017
(SHTT) - Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam (VN) tăng 9 bậc. Như vậy, những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ (CP), các bộ ngành và địa phương trong 3 năm qua về cải thiện môi trường kinh doanh đã bước đầu đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của bảng xếp hạng. Nếu so với các nước ASEAN, thì VN là quốc gia có sự cải thiện tốt về thứ hạng (tăng 9 bậc). Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008 (theo Doing Business 2008). 

1 kinh te viet nam

 

Mục tiêu hướng đến

Mặc dù đã có bước cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của VN chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 4 (4 nước đứng đầu ASEAN là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines), thậm chí trung bình ASEAN 6 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei).

1 kinh te viet nam b

 

 Theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, thì thứ hạng của VN giảm 4 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Cam-pu-chia. Theo báo cáo về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), VN giảm 7 bậc so với năm 2015 (từ thứ 52/141 xuống 59/128 quốc gia với số điểm chỉ đạt 35,4/100 điểm), thấp hơn nhiều nước ASEAN. Về xếp hạng CP điện tử (theo đánh giá của Liên hợp quốc), VN đứng thứ 89 trên thế giới - tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, xếp thứ 63 trong ASEAN.

1 kinh te viet nam c

 

 Để đạt được mục tiêu cho năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ngang bằng các nước ASEAN 4, đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực. Trước mắt, CP  tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.

1 kinh te viet nam d

 

 Với mục đích là các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh phải đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4, CP đã vạch ra kế hoạch cụ thể là:

Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu;

Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); thủ tục kết nối cấp, thoát nước xuống còn 7 ngày (giảm 7 ngày); thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công xuống còn 20 ngày (giảm 10 ngày); tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.

Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho DN khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức 1 triệu DN vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là DN khởi nghiệp sáng tạo.

Giải pháp thực hiện

 Trên nền tảng CP kiến tạo là cung cấp dịch vụ cho người dân và DN, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ. Thực tế hiện nay là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN ra đời và phát triển. Cụ thể là các cơ quan, CP ban hành các luật và văn bản hướng dẫn rất chậm. Nhiều văn bản còn kìm hãm DN, buộc DN phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh để tránh rủi ro.

1 kinh te viet nam a

 

 CP kiến tạo cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. Tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số DN an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều phải được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Đặc biệt, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để DN yên tâm bỏ vốn đầu tư. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng, tạo ưu tiên cho người dân và DN, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được để tuân thủ.

1 kinh te viet nam e

 

Mới đây, với sự cam kết của các bộ trưởng thực thi CP kiến tạo trước mắt đang tạo nên động lực để các công dân khởi nghiệp và DN lên kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, đầu tư - phát triển.  Cụ thể là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cam kết rằng, xem phát triển DN là nhiệm vụ ưu tiên của ngành, tích cực triển khai các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho DN mọi thành phần kinh tế phát triển. Bộ sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, trong đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng… còn có các chương trình hỗ trợ theo mục tiêu như hỗ trợ DN thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua mô hình vườn ươm DN, quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành; hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh…, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết, bộ sẽ tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là sống còn; quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công; đồng thời, tham mưu với CP xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài Chính - Đinh Tiến Dũng – cam kết giải quyết vướng mắc cho DN trong vấn đề nộp thuế, thông quan hàng hóa là hai lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của ngành. Trong thời gian đến, bộ sẽ tập trung vào công tác hoàn thuế theo hướng điện tử, giải quyết khiếu nại, quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thuế, đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… Phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm; mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của VN sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới; và phấn đấu đến trước năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của VN đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, điều lo lắng đằng sau các cam kết của các bộ trưởng và vấn đề con người thực thi nhiệm vụ. Các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh mà các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra suốt thời gian qua thì các cơ quan quản lý nhà nước đều biết. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ không làm. Đây chính là lợi ích của cái quản lý hành chính đã ăn sâu vào thói quen làm việc của các công chức, viên chức nhà nước. Điều tệ hại làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước này cần sớm được dẹp bỏ. Muốn vậy thì cần thiết phải xây dựng đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các bộ - ngành,  sở - ngành và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ để ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nhân, DN. Khuyến khích các doanh nhân đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, hành vi sách nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu các việc trên được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, dài lâu, thì nên kinh tế của VN sẽ bứt phá đi lên là điều chắc chắn đạt được trong tầm tay.

Hùng Cường

*( Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tài liệu từ hội nghị giữa Thủ tướng CP với cộng đồng DN tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước ngày 29/4/2016”. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ban hành ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 19 ban hành ngày 6/2/2017 của Chính phủ về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020).

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.