Kinh nghiệm lái xe trên đường ngập lụt
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên trong khu vực nội thành Hà Nội có nhiều đoạn đường bị ngập lụt, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Chính vì vậy nhiều xe hơi bị chết máy giữa đường do ngập nước. Ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều tai nạn xảy ra lại do chính sự "liều lĩnh" của tài xế.
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì trong tất cả các tình huống đường phố bị ngập nước, biện pháp tốt nhất là...không hoặc hạn chế đi qua. Trường hợp không có sự lựa chọn, buộc phải mạo hiểm đi qua vùng ngập thì cần chú ý những điều sau:
Chuẩn bị kỹ càng trước khi lái xe
Chủ xe nên kiểm tra hệ thống phanh, đèn và cần gạt nước có hoạt động tốt hay không, lốp có bị mòn quá mức cho phép không. Việc kiểm tra này không nên chỉ khi có mưa mới tiến hành mà nên kiểm tra thường xuyên vì không mất nhiều thời gian, lại tăng cường sự an toàn cho bản thân và chiếc xe của bạn.
Riêng về phần lốp, chủ xe nên lưu ý thay lốp mới sau 40-50 nghìn km. Kiểm tra áp suất lốp phải đủ tiêu chuẩn kỹ thuật vì các gai trên bề mặt lốp được thiết kế để thoát nước và đảm bảo độ bám giữa lốp và mặt đường. Khi lốp mòn hoặc áp suất lốp thấp sẽ làm tăng khả năng xuất hiện hiện tượng Hydroplaning (lốp bị nâng khỏi mặt đường), dẫn đến xe dễ bị trượt và mất lái khi đường trơn trượt.
Bạn cũng nên thay miếng gạt nước hoặc cần gạt nước ít nhất 1 lần/năm.
Kinh nghiệm lái xe trên đường ngập lụt
Tài xế nên tắt công tắc AC (điều hòa), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập.
Qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
Cùng với đó, người lái cũng cần duy trì khoảng cách hợp lí đối với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô nào (đặc biệt là các xe trọng tải lớn). Nếu có thể, hãy cố gắng quan sát đường vết bánh xe của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Nếu điều kiện cho phép, hãy chạy xe ở chính giữa tim đường, vì ở hai bên đường thường trũng và rất dễ có hố sâu bên dưới làn nước.
Nếu cẩn trọng, bạn có thể tháo ống ra khỏi cổ lọc gió trước khi qua vũng nước và lắp lại ngay sau khi qua vũng nước ngập để tránh giảm tuổi thọ động cơ
Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ.
Xử lý trong trường hợp xe chết máy
Nếu trong trường hợp xe chết máy, tuyệt đối không khởi động lại. Nguyên nhân là do khi máy vận hành bình thường, các piston lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng cong các tay biên và piston, khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy. Đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ phá hủy máy.
Tài xế nên đẩy xe đến chỗ khô ráo và gọi cứu hộ. Nên chủ động tháo dây ắc quy để tắt toàn bộ hệ thống điện của xe càng sớm càng tốt, giúp giảm thiểu hư hại cho chiếc xe.
Người lái cũng nên luôn mang sẵn theo mình một số điện thoại cứu hộ giao thông khi cần thiết. Khi cứu hộ, lưu ý với xe cứu hộ về dẫn động của xe để đảm bảo chiếc xe không bị hư hỏng khi cứu hộ. Nếu là xe 2 cầu (dẫn động 4 bánh) với hộp số tự động, tự động chống trượt, tự động cài cầu, cần sử dụng xe bàn để cứu hộ (nâng toàn bộ xe lên trên xe cứu hộ). Nếu là xe dẫn động cầu trước, cần nâng cầu trước và kéo, nếu là xe dẫn động cầu sau, nâng cầu sau và cứu hộ, để đảm bảo phần hộp số và truyền động không bị hư hại.
- 5 mẹo tiết kiệm tiền điện thoại di động hàng tháng
- Mẹo nhỏ giúp sạc iPhone nhanh đầy
- 8 mẹo về Facebook Messenger có thể bạn không biết
PV