SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Kienlongbank (KSBank) lộ tham vọng lớn khi đưa CEO Sunshine 36 tuổi làm Chủ tịch

14:35, 07/05/2021
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) vừa bổ sung tên gọi khác là KSBank nhằm phù hợp với mục tiêu số hóa của ngân hàng trong giai đoạn mới. Kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận tại nhà băng này bất ngờ tăng đột biến, trong khi nợ xấu giảm mạnh.

KienLongBank có chủ tịch trẻ nhất hệ thống ngân hàng

Chiều 3/5, Ngân hàng Kiên Long (KSBank) đã tổ chức cuộc họp thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022 với nhiều nội dung quan trọng về nhân sự.

Theo đó, các thành viên HĐQT đã thông qua đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 - 2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời thống nhất bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 kể từ ngày 26/5 tới đây. Qua đó, bà Hằng sẽ trở thành nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay khi mới 36 tuổi (sinh năm 1985).

Tân chủ tịch HĐQT Kienlongbank - Bà: Trần Thị Thu Hằng.

Bà Trần Thị Thu Hằng tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện giữ cương vị Tổng Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư SIPT.

Từ tháng 3/2018, bà gia nhập CTCP Tập đoàn Sunshine với vị trí Phó Tổng giám đốc Đầu tư quốc tế và IPO. Bà đảm nhiệm chức vụ CEO Sunshine Group từ tháng 3/2019 khi 34 tuổi.

Giai đoạn 2019 - 2020, bà Hằng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và từng giữ các vị trí quan trọng như Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Sunshine Tech, Giám đốc Công ty cổ phần Sunshine AM, Giám đốc Công ty cổ phần Sunshine Sky Villa.

Trước đó, trong giai đoạn 2011 - 2018, bà Hằng từng làm trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp lớn của LienVietPostBank, Giám đốc quan hệ khách hàng doanh nghiệp lớn cấp 3 tại Maritime Bank (nay là MSB).

Bà Trần Thị Thu Hằng bắt đầu tham gia Hội đồng Quản trị Kienlongbank với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT từ đầu tháng 2/2021 đến nay.

Hiện bà Hằng đang sở hữu hơn 15.36 triệu cổ phiếu KLB, tương đương 4,75% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, bà còn nắm giữ 14.58 triệu cổ phần, tương đương 33% vốn của CTCP KS Group.

Được biết, CTCP KS Group được thành lập vào ngày 25/11/2020, trụ sở chính tại tầng 12, tòa nhà Sunshine Center, số 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, bà Hằng cũng đang nắm giữ đến 51% vốn của KS Securities. Đây là Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway đổi tên thành Công ty Chứng khoán KS (KS Securities), chuyển trụ sở chính về tòa nhà Sunshine Center Hà Nội.

Toàn bộ thành viên HĐQT cũ của đơn vị này đã xin từ nhiệm. Thay vào đó, trong danh sách ba thành viên HĐQT mới được bầu có bà Trần Thị Thu Hằng - CEO Sunshine Group được bầu là Chủ tịch HĐQT KS Securities.

Thực tế, ngay đầu năm 2021, Kienlongbank đã liên tục công bố nhân sự mới. Cùng lúc đó trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KLB của Kienlongbank được giao dịch thỏa thuận khủng, liên tục. 

Tham vọng thành "ông lớn" ngành ngân hàng?

Cùng với việc thay đổi vị trí "ghế nóng", trước đó, ngày 29/4 Kienlongbank cũng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua Tờ trình về việc bổ sung tên KSBank nhằm phù hợp với mục tiêu số hóa của ngân hàng trong giai đoạn mới. Như vây, sau khi được NHNN phê duyệt, KSBank sẽ trở thành tên gọi chính thức của Ngân hàng TMCP Kiên Long.

Năm 2021, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ (từ 3.237 tỷ đồng lên 3.653 tỷ đồng), đồng thời nâng tổng tài sản hợp nhất lên 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%). Tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng (tăng 14,08%), tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%).

Đáng chú ý, KienLongBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng vọt, gấp 6,3 lần kết quả 2020, dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng. Theo mục tiêu này, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức theo tỷ lệ 17%, cao hơn 4% so với mức 13% của năm 2020.

Kienlongbank đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank vào cuối tháng 3/2021.

Trong đó, số cổ phiếu STB đảm bảo cho khoản vay nói trên tại Kienlongbank lên tới 176 triệu cp. Dư nợ có khả năng mất vốn liên quan đến khoản vay này là gần 1.900 tỷ đồng

Như vậy, việc bán xong cổ phiếu STB có thể là nguồn chính giúp Kienlongbank kỳ vọng lợi nhuận tăng sốc trong năm 2021.

Cũng trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, Kienlongbank (KSBank) sẽ mở rộng mạng lưới chi nhánh cùng với việc đẩy mạnh định hướng phát triển theo mô hình số hóa.

Theo đó, Ban lãnh đạo Kienlongbank (KSBank) cho biết sẽ phát triển ngân hàng theo mô hình Digital Banking, trong đó Kienlongbank (KSBank) được xem là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư tài chính ưu việt gồm Ngân hàng số - Chứng khoán - Đầu tư bất động sản - Đầu tư Vàng và Thương mại điện tử.

KSBank – mô hình Ngân hàng số ưu việt với 4 phân hệ cốt lõi

Đặc biệt, với bốn phân hệ cốt lõi (Mobile App, Mobile Branch, Digital Branch, Self-Service 24/7), KSBank sẽ phát triển theo mô hình "Ngân hàng không ngủ", mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm mang phong cách Digital toàn diện, đảm bảo tối đa sự tiện lợi và bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ.

Kết thúc quý 1/2021, KienLongBank ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến.

Kết quả kinh doanh quý 1/2021 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Kienlongbank)

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021, Kienlongbank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 915 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng gần gấp đôi lên hơn 38,7 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư là 31,8 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi khoản chi phí hoạt động 260,6 tỷ đồng, Kienlongbank báo lãi thuần hơn 736,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm hơn 50% so với cùng kỳ, còn gần 69 tỷ đồng.

Kết quả, Kienlongbank báo lãi trước thuế uý 1/2021 lên tới hơn 702 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt hơn 524 tỷ đồng, cao gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021, nhà băng này đã hoàn thành 70% mục tiêu lợi nhuận chỉ trong 3 tháng đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 61.942 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 35.747 tỷ đồng, tăng 2,9%. Tiền gửi của khách hàng đạt 47.738 tỷ đồng, tăng 13,6%.

Đáng chú ý, dù giảm chi phí dự phòng rủi ro nhưng kết thúc quý 1/2021, tỷ lệ nợ xấu tại KienLongBank giảm mạnh xuống còn 1,19%, từ mức 3,22% cuối năm 2020.

Nợ xấu tại KienLongBank giảm mạnh bất ngờ. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Kienlongbank).

Không ngoài dự đoán, nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận trước thuế tăng mạnh là do trong quý 1 ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Hà Phương

vnfinance.vn

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.