SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Kiên quyết dẹp nạn "tôm bẩn"

11:00, 01/07/2017
(SHTT) - Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu là đưa ngành tôm tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Cách đây không lâu, phát biểu với ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phát triển ngành tôm phải theo tư duy hệ thống, tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến nuôi, chế biến, phân phối, tiêu thụ tôm trong đó doanh ngiệp đóng vai trò đầu tàu và động lực; các hộ nuôi nhỏ lẻ phải được tổ chức thành hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhằm giảm các chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.

Ngành tôm phải là tấm gương tiêu biểu trong việc đi tắt, đón đầu trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao; trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện tử, tin học... vào sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến tôm. Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là ngành tôm đang đối diện với nạn bơm tạp chất vào tôm, làm mất giá trị thương hiệu con tôm Việt.

Dẹp ngay “tôm bẩn”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết xử lý thích đáng các hành vi bơm tạp chất cho vào tôm để trục lợi bất chính. Chính phủ và toàn thể xã hội tuyên chiến với những hành vi này. Các Bộ ngành và địa phương chỉ đạo quyết liệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng; các cơ quan liên quan cần tập huấn thông tin cho người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng này.

Các doanh nghiệp, người dân tham gia nuôi, chế biến tôm phải nêu cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, thông tin trong sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hướng tới sự phát triển chung của ngành tôm, lợi ích quốc gia. Các hiệp hội trong ngành hàng tôm cần phát huy vai trò của mình trong công tác này. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát bệnh dịch trên tôm nước lợ; tăng cường kiểm soát và quản lý tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào; đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở thu gom, chế biến tôm, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, trước mắt triển khai có kết quả Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

tom ban a

 

 Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ, lừa dối cảm giác về độ tươi... đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt ở các địa bàn Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. Dù Bộ Thủy sản trước đây và hiện Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều chương trình ngăn chặn việc đưa tạp chất vào tôm từ năm 1998 (đến nay đã gần 20 năm) nhưng mới có hiệu quả tức thời tại từng thời điểm. Việc đưa tạp chất vào tôm cứ diễn ra, nhất là khi khan hiếm tôm nguyên liệu và có lúc tôm VN đã bị Hàn Quốc và Nhật Bản cảnh báo.

 Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, trong năm 2016, đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86, Bộ Công an) tổ chức thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất một số cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tại Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả đã phát hiện, bắt quả tang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại hai tụ điểm ở Bạc Liêu, một tụ điểm và hai doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau. Cục này cho biết trong năm 2017 sẽ kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, thực hiện đúng khẩu hiệu “nói không với tạp chất”. Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nêu tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm VN.

Gắn trách nhiệm tới trưởng thôn, ấp

Trước quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến đề nghị cách làm mới với trách nhiệm rõ hơn xuống tận cấp cơ sở. Theo ông Lương Ngọc Lân - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã quyết liệt xử lý thực trạng trên trong thời gian qua và đã xử lý được nhiều trường hợp. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra việc bơm chích tạp chất vào tôm kể cả về thời lượng và tăng kiểm tra đột xuất, đưa việc này trở thành thường xuyên hơn theo hướng “tìm để diệt”. Tuy nhiên theo ông Lân, để chấm dứt tình trạng này cần xử lý từ gốc. Cụ thể, chỉ có cơ sở thu gom mới bơm chích tạp chất chứ người nông dân hiếm khi làm việc này nên phải xử lý những cơ sở thu gom. Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải tăng cường trách nhiệm của địa phương mà ở đây là các trưởng ấp, bí thư chi bộ ấp bởi “chỉ có con em ở đó tiêm chích tạp chất vào tôm nên những người này phải biết”.

Trong khi đó, theo ông Phan Thanh Liêm - chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, các đối tượng tổ chức bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi. Trong năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 3 tấn tôm sú và tôm thẻ chân trắng có bơm chất agar (rau câu) và một số chất khác. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận cho biết các chủ vựa thu mua thường thuê người khác bơm, trường hợp bị phát hiện thì “bỏ của chạy lấy người”, hoặc khai báo không rõ người thuê mình là ai để tránh bị xử lý. Thậm chí, gần đây cơ quan chức năng còn phát hiện một số đối tượng đưa tôm nguyên liệu xuống vỏ lãi rồi... vừa chạy trên sông vừa bơm tạp chất. Ông Trần Ngọc Nhuận, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Bến Tre, cho biết đơn vị này đang làm đề án ngăn chặn bơm tạp chất đối với tôm nguyên liệu để trình UBND tỉnh. Cụ thể, đề án phân công rõ ngành công an sẽ làm gì, trách nhiệm của các ngành như công thương, NN&PTNT và từng thành viên của các ngành, các huyện...

tom ban

 

Cần truy xuất được nguồn gốc

Theo bà Quách Thị Thanh Bình - chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, việc kiểm tra xử lý như vừa qua không khác gì như “bắt cóc bỏ dĩa”. Để giải quyết triệt để, bà Bình đề nghị Bộ NN&PTNT cần ban hành thông tư quy định cấp mã vùng nuôi và cơ sở nuôi.

Tiếp tục thực hiện bảo hiểm đối với tôm nuôi

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó tiếp tục thực hiện bảo hiểm đối với tôm nuôi. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí dòng vốn ngân sách cho các dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi và sản xuất giống tập trung, các nhiệm vụ khoa học ưu tiên. Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại nhà nước, các tổ chức tín dụng có cơ chế cho vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp/hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao/đầm nuôi và tôm nuôi.

UBND các tỉnh nuôi tôm, đặc biệt là các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân, phát triển các mô hình hợp tác xã đầu tư vào nuôi, chế biến tôm; có kế hoạch liên kết vùng để phát huy lợi thế sản xuất, kinh doanh tôm, hình thành trung tâm sản xuất tập trung công nghệ cao nhằm thu hút nguồn lực; phát triển các mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ.

Trên cơ sở này, việc quản lý của cơ quan chức năng mới thuận lợi, khi phát hiện tôm có bơm tạp chất hay dính kháng sinh, việc truy xuất nguồn gốc mới dễ dàng. Điều này cũng giúp VN xây dựng thương hiệu tôm. Có thương hiệu, việc gì cũng dễ, giá trị con tôm được tăng lên, thu nhập người nuôi cũng được cải thiện. Vấn đề nữa là các địa phương cần hạn chế tối đa việc cấp phép hoạt động cho những cơ sở thu mua nhỏ lẻ vì những cơ sở này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây bệnh cho vùng nuôi mà việc kiểm tra, xử lý và truy xuất nguồn gốc cũng rất khó khăn khi có sự cố. Bà Bình cho rằng các doanh nghiệp cũng nên nói không với những đại lý không có uy tín, phải chấp nhận cùng chung tay tuyên chiến với nạn bơm tạp chất vào tôm.

Thành Sinh (t/h)

 

Tin khác

Tài sản trí tuệ 11 giờ trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 13,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thép không gỉ B.N, địa chỉ trụ sở chính: Phường Phan Đình Phùng, Thị Xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Ngân Hà số tiền 90 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là bộ máy phát điện hiệu CATERPILLAR sản xuất tại Mỹ, đã qua sử dụng có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.