SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra vi phạm tại dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2

17:40, 25/02/2019
(SHTT) - Theo Thanh tra Chính phủ, những vi phạm của TISCO có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư….

Hàng loạt vi phạm, “đội vốn” hơn 4.200 tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO). Theo đó, kết luận thanh tra xác định việc triển khai thực hiện dự án có nhiều sai phạm, làm tăng tổng mức đầu tư ban đầu, gây thất thoát vốn của Nhà nước.

Cụ thể, dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2005, giao Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư được Hội đồng quản trị VNS phê duyệt vào tháng 10/2005 là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD), năm 2007, dự án được khởi công xây dựng.

Theo nội dung phê duyệt, dự án gồm hai gói thầu chính là Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ (đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán 224,057 tỷ đồng) và Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim trị giá 143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD, thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Năm 2007, TISCO và MCC ký hợp đồng tổng thầu tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt (EPC) với giá hơn 160 triệu USD, được xác định là "trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện 30 tháng đã bao gồm các loại thuế, chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC”.

Sau khi ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng hơn 35 triệu USD, với lý do giá vật tư tăng cao, 18 tháng sau, MCC chưa triển khai gì nhưng TISCO không có bất cứ động thái nào như áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, không báo cáo cấp thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, không thu hồi tiền tạm ứng, không phát hành thư đòi tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng,...

Ðáng chú ý, trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC đã ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung hai bên thống nhất tách phần xây dựng và lắp đặt giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) thực hiện với thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến quý I/2011 hoàn thành.

Tuy nhiên sau khi được giao, Vinainco lại ký tiếp 40 hợp đồng, giao khoán cho 29 nhà thầu khác với giá 505 tỷ đồng. Nhiều hạng mục thực hiện chậm hoặc không thi công được do gặp khó khăn khi lắp đặt thiết bị công nghệ mà MCC thiết kế, chế tạo.

Đến năm 2012, VNS và TISCO có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh mức đầu tư. Cuối năm 2012, nhà thầu Trung Quốc rút hết công nhân và máy móc về nước, đem theo hơn 90% số tiền mà TISCO đã thanh toán phần thiết bị, gói thầu bị ngừng trệ.

Ngày 15/5/2013 Chủ tịch HĐQT TISCO đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng (“đội vốn” hơn 4.200 tỷ đồng), đồng thời cam kết đến hết năm 2014, dự án sẽ được đưa vào hoạt động. Thế nhưng thực tế, dự án đã dừng thi công từ năm 2013, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

images1891290_651Gang_thep_14_4_2016

Dự án gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chậm tiến độ, "đội vốn" hơn 4.200 tỷ đồng. 

Thanh tra Chính phủ cho rằng, tuy chủ trương đầu tư dự án phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ công nhân viên, song trong quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Theo đó, đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421.522 triệu đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896.838 triệu đồng, tương đương lãi vay phải trả hiện lên tới trên 40 tỷ đồng/tháng. Trong đó, TISCO thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, tương ứng 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD, tương ứng 92,89%).

TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị trên 4,7 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (gồm 42 xe ô tô có tổng trị giá 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, gây thiệt hại vốn đầu tư.

Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm thuộc TISCO. Những vi phạm của doanh nghiệp này có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư….

TISCO

 Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những vi phạm của TISCO.

Ngoài ra, trách nhiệm thuộc về Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO do buông lỏng kiểm tra, giám sát dự án, để TISCO và MCC ký thêm 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC không đúng quy định, gây bất lợi cho TISCO…

Cùng với đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ rõ hàng loạt khuyết điểm, sai phạm của nhà thầu MCC cùng nhà thầu Vinaincon; các đơn vị tư vấn và thẩm tra gồm Sofreco, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) cùng hàng loạt bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển - Chi nhánh Thái Nguyên… liên quan tới việc điều chỉnh nâng vốn dự án, thiếu trách nhiệm làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát vốn đầu tư, để dự án chậm tiến độ và dừng hoạt động.

Đối với những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý về kinh tế, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo VNS, TISCO thu hồi khoản thuế trên 11,6 triệu USD của MCC mà TISCO đã nộp thay; các khoản chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị trên 4,7 tỷ đồng và phí quản lý Phần C là 708.343 USD; thu hồi tiền đã chi cho các tổ chức, cá nhân sai quy định trên 3 tỷ đồng và trên 439.562 USD; giá trị thiết bị máy móc gần 39 triệu USD do MCC cung cấp có sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật; xử lý số tiền thanh toán sai (Phần C) cho các nhà thầu phụ và giá trị phần việc các nhà thầu phụ thực hiện dự án trên 876,7 tỷ đồng.

Xử lý việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 8.104 tỷ đồng không có cơ sở, không đúng quy định. Tổng công ty Vinaincon nộp vào ngân sách đối với khoản bán thầu không đúng quy định hơn 3,655 tỷ đồng. Ðồng thời, Thanh tra Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các phương án xử lý đối với Dự án đã được Thủ tướng chỉ đạo tại Ðề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân liên quan.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra 4 việc vi phạm có dấu hiệu hình sự mà cơ quan này đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an từ ngày 14/11/2017.

Hải Lan

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sáng 15/4,UBND Tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024.