Kiểm tra thông quan 16 doanh nghiệp nhập khẩu hàng Asanzo
Ngày 30/7, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, đơn vị này đang tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 16 doanh nghiệp nhập khẩu hàng Asanzo sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.
Danh sách 16 doanh nghiệp bị kiểm tra gồm: Công ty TNHH SX TM Đầu tư Văn Đoàn, Công ty TNHH SX TM Việt Nhung, Công ty TNHH Đầu tư XNK Trường Thiện, Công ty TNHH Phát triển TM Việt Hương, Công ty TNHH Đầu tư SX TM Lê Sơn, Công ty TNHH TM XNK Hồng Diễm, Công ty CP SX Tuấn Phát, Công ty TNHH TM DV Hương Lê Phát, Công ty TNHH XNK Văn Mạnh Cường, Công ty TNHH TM Phát triển DV TM Toàn Cầu Phát, Công ty TNHH Đầu tư SX An Nhiên, Công ty TNHH SX TM Nhật Văn, Công ty TNHH SX TM Nguyễn Kim Phát, Công ty TNHH SX TM Phạm Gia Khang, Công ty TNHH SX TM Toàn Gia Phát, Công ty TNHH Đầu tư Cẩm Nguyên.
16 doanh nghiệp sẽ được Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan TP.HCM) đến trụ sở đăng ký kinh doanh để công bố và thực hiện kiểm tra hồ sơ nhập khẩu hàng hóa nhằm làm rõ có hay không hành vi gian lận, trốn thuế.
Ở một diễn biến khác, trước đó, tại cuộc họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành hải quan diễn ra chiều 19/7, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan đã đề cập đến trường hợp CTCP Điện tử Asanzo mà hải quan là một trong những đơn vị đang được yêu cầu tiến hành kiểm tra, thanh tra nguồn gốc xuất xứ.
Ông Tuấn cho biết, quy định về nhãn mác trong Nghị định 43 đã có tuy nhiên đối chiếu với quy định về xuất xứ thì lại chỉ áp dụng với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, không áp dụng với hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước.
Cũng theo ông Tuấn, trường hợp như Asanzo hiện nay diễn ra nhiều, do đó thời gian tới cần hoàn thiện chính sách để có cơ sở pháp lý điều chỉnh những trường hợp tương tự như Asanzo.
Ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh mặt hàng gia dụng khi thị trường Trung Quốc đang là thị trường cung cấp phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Thống kê của hải quan cho thấy, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn.
“Bộ Tài chính đang kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định tại Nghị định 43, Thông tư 05 để đưa ra các quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam lưu thông ở thị trường trong nước để có tiêu chí khi các cơ quan hải quan kiểm tra xác định hàng hoá này có thể gắn mác “Made in Vietnam” hay không”, ông Tuấn nói.
Linh San
TIN LIÊN QUAN
-
Vụ công ty con Asanzo giả mạo xuất xứ: Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói gì?
-
Đột kích Sài Gòn Square, thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng
-
Tịch thu 600 túi xách giả mạo nhãn hiệu Adidas và Nike
-
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hàng hóa nghi giả mạo nhãn 'Made in Vietnam'