Kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử
Nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.
Theo Tổng cục Hải quan, Dự thảo Nghị định có một số nội dung cụ thể như: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước. Xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM, thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta đã ký kết với song phương, đa phương.
“Đối với dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với sản xuất, nhập khẩu, rất cần thông tin để đảm bảo quản lý tập trung bao gồm cả thông tin người bán, người mua thông tin, những những hàng hóa, thành phẩm có liên quan, giúp cho tất cả những người cùng tham gia vào, từ những người tham gia trong chuỗi cung ứng cho đến cơ quan quản lý nhà nước thì cũng sẽ theo dõi một cách toàn trình cũng như là đồng bộ hóa về các chính sách, thủ tục và như vậy giúp cho công tác từ khai báo hải quan điện tử đến kê khai thuế, theo dõi thanh toán cũng như là phòng, chống trục lợi, gian lận và cũng như bảo vệ các giá trị hay là Luật sở hữu trí tuệ sẽ được tốt hơn”, ông Bùi Trung Kiên đánh giá.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT cho rằng, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp. Thời gian qua, cơ quan hải quan đã hỗ trợ mạnh mẽ, đồng hành cùng doanh nhiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng để Nghị định có thể được ban hành sớm và sớm đưa vào hiệu lực để làm sao giúp là cơ quan hải quan quản lý một cách hiệu quả cũng như đảm bảo tạo thuận lợi thương mại”, bà Đỗ Thị Thu Thủy bày tỏ.
Theo Tổng cục Hải quan, việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư Hệ thống hải quan số. Đồng thời, ngành Hải quan cần có thời gian để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo làm sao các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán được nhanh chóng, được nhận hàng nhanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử có các điều kiện được phát triển ở Việt Nam nhưng đồng thời phải bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ nền sản xuất trong nước.
TH
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Thu mua đồng giá cao tận nơi