Kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gạo, chống gian lận xuất xứ
Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết đã tạm giữ nhiều container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ gạo Việt Nam. Lô gạo trên nhập khẩu từ Ấn Độ, trọng lượng trên 500 tấn của 2 doanh nghiệp. Số gạo này được đóng bao PP (loại 50 kg/bao), nhưng phần lớn trên bao bì không nhãn mác, không thể hiện xuất xứ, dựa trên C/O thì biết hàng có xuất xứ Ấn Độ.
Trong đó, một số container gạo của một doanh nghiệp trên các bao bì ghi nhãn mác bằng tiếng Việt, ghi rõ tên công ty, “gạo 5% tấm-50 kg”, địa chỉ trụ sở nhà máy tại Việt Nam. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 nghi vấn số gạo này có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, hiện đã có văn bản trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thủ Đức (TP.HCM) làm rõ hành vi này.
Tổng cục Hải quan cho biết, quá trình theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu gạo thời gian qua cho thấy kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạo tăng đột biến và có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ gạo của Việt Nam để xuất khẩu đi các thị trường khác. Đáng quan tâm nhất chính là vấn đề gạo Ấn Độ còn được “mông má” để giả một số loại gạo. Theo chia sẻ của một DN trong ngành gạo, gạo Sa Mơ của Việt Nam có kích thước nhỏ, nhìn bề ngoài rất giống với gạo Swarna 5% tấm của Ấn Độ. Loại gạo này cho cơm xốp, nở, mềm, thơm nhẹ, thích hợp cho các quán cơm chiên, bánh xèo và đã được người tiêu dùng ưa chuộng hơn 15 năm nay.
Theo đó, các DN sau khi nhập khẩu gạo Ấn Độ về sẽ đưa vào máy làm đẹp lại, sau đó đóng bao mới và lấy tên là gạo Sa Mơ của Việt Nam để bán ở trong nước. Nhiều khách hàng của DN này đã phản hồi về việc có một số đơn vị bán gạo Sa Mơ với giá rẻ hơn 500 – 800 đồng/kg. Với mức giá gạo Sa Mơ hiện tại là 13.000 đồng/kg, trong khi gạo Ấn Độ nhập khẩu về và “mông má” lại thì giá cũng chỉ khoảng 11.000 đồng/kg. Như vậy, lợi nhuận chênh lệch từ việc bán gạo Sa Mơ “giả” lên tới 1.500 – 2.000 đồng mỗi kg.
Trước nguy cơ gạo Ấn Độ "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã kiến nghị cần có cơ chế giám sát đối với gạo nhập khẩu để tránh tình trạng "nhập nhèm" về xuất xứ gây mất uy tín ở các thị trường xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, phân tích việc gạo Việt Nam chào bán được giá cao và được nhiều khách hàng nước ngoài lựa chọn là nỗ lực, công sức của cả hệ thống từ người nông dân đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cùng với ngoại giao kinh tế của Chính phủ và các bộ, ngành.
Việc gian lận xuất xứ hàng hóa là một trong những điều cấm kỵ trong thương mại quốc tế và bị các quốc gia nhập khẩu áp dụng chế tài rất nặng. Chỉ với 1 lô hàng vi phạm gian lận thì thiệt hại không chỉ ở giá trị lô hàng đó mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của toàn bộ ngành hàng xuất khẩu đó.
Trước thực trạng này, nhằm ngăn chặn hiệu quả, ngành Hải quan tăng cường kiểm tra thực tế đối với lô hàng được hệ thống phân luồng kiểm tra cần lưu ý kiểm tra việc ghi nhãn đảm bảo đúng quy định; đối với chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo cần lưu ý XK hàng đã NK. Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện DN có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động XNK để xác định các dấu hiệu rủi ro, phối hợp chai sẻ thông tin để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và chống buôn lậu.
Minh Anh