SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Khu kinh tế ven biển: Gạn đục khơi trong

18:35, 09/07/2018
(SHTT) - Các Khu kinh tế ven biển (KKTVB) được bố trí trải dài theo đường cong chữ S, phân bổ đều khắp các tỉnh, thành phố. Chính phủ kỳ vọng các khu KTTVB sẽ là động lực đột phá kết nối cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, các khu kinh tế này ì ạch, phát triển chậm chạp.

 Vì sao ì ạch?

 VN là một trong 10 quốc gia trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Bên cạnh đó còn có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, có cảng biển sâu, có điều kiện để phát triển hàng hải, hàng không, du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản…Với tiềm năng 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, hơn 3.000 hòn đảo, 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, nên việc xây dựng một số KKTVB đặc thù, nhằm tạo thêm các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chiến lược kinh tế bền vững của VN.

khu kinh te

 Tàu du lịch cập cảng Chân Mây ngày càng nhiều

 Thống kê cho thấy, giai đoạn 2003-2005 mới có 3 KKTVB, thì sang giai đoạn 2006-2008 có đến 11 KKTVB. Đây là giai đoạn ghi nhận sự bùng nổ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN. Giai đoạn 2010 – 2015 đã có thêm 5 KKTVB thành lập. Và, tháng 8/2017 vừa qua, KKTVB Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập với  diện tích rộng khoảng 30.583 ha, trở thành khu kinh tế thứ 17 được thành lập hiện nay. Như vậy, trong Quy hoạch phát triển các KKTVBVN đến năm 2020, chỉ còn lại KKTVB Ninh Cơ – Nam Định chưa được thành lập.

 Tuy nhiên, sau hơn 14 năm phát động, đến nay VN chưa có một KKTVB  nào được xây dựng theo đúng mục tiêu ban đầu của CP đề ra. 16 KKTVB có 36 khu công nghiệp, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16.100 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7.800 ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.

 Mô hình hoạt động của 16 KKTVB thời gian qua, chưa cho thấy có hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, nhưng lại là loại hình chiếm dụng nhiều đất đai nhất với tổng diện tích đất và mặt nước là 815.000 ha, nhiều gấp 13 lần tổng diện tích của 220 khu công nghiệp đang hoạt động.

 Quy mô kinh tế biển của VN chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước 1.300 tỷ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển VN bình quân đạt khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước.

khu kinh te 1

 Khu KTVB Chân Mây-Lăng Cô

 Điểm yếu nhất là các KKTVB tập trung dày đặc tại các tỉnh duyên hải miền Trung với 11 khu. Các KKTVB chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong khi nguồn ngân sách Trung ương lại hết sức hạn chế, nên nhiều KKT gặp khó khăn trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các KKTVB đều có chung định hướng đầu tư, chẳng hạn như đối với các khu ven biển là xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện... do đó chưa phát huy được lợi thế so sánh, dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các KKT.

  Bên cạnh đó, việc quy hoạch cũng có vấn đề? Quy hoạch các KKTVB cho thấy, việc thành lập một số KKT chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Nguyên nhân là do việc đề xuất bổ sung quy hoạch, thành lập KKTVB của một số địa phương chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương, của vùng, chưa gắn chặt với lợi ích của quốc gia.

 Hiện nay, mới chỉ có số ít KKTVB có điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian tới. Cụ thể là KKTVB Chu Lai (Quảng Nam) đã có sân bay quốc tế Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà, các tuyến đường đấu nối với hệ thống giao quốc gia, như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất… KKTVB Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) đã có Sân bay Cát Bi, Cảng quốc tế Lạch Huyện, hệ thống các khu công nghiệp được quy hoạch, hệ thống giao thông kết nối, nằm trong hành lang vành đai kinh tế ven biển…

khu kinh te 2

 Tàu vào nhập hàng tại cảng Nam Hải-Đình Vũ trong Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

 Thời gian qua, việc chưa có cơ chế chính sách ưu đãi mang tính đột phá, cụ thể, nhất quán áp dụng cho phát triển KKTVB cũng là nguyên nhân khiến KKTVB phát triển chưa theo đúng mục tiêu đề ra và chưa thu hút được nhiều FDI vào KKT, nhất là các dự án có quy mô lớn và quan trọng.

 Việc đầu tư vốn Nhà nước vào phát triển 16 KKTVB đang dẫn tới sự dàn trải, phân tán các nguồn lực, hiệu quả đầu tư thấp. Hầu hết các KKTVB đều được thành lập dựa trên việc phát huy yếu tố bên trong và kỳ vọng với các tiềm năng sẵn có, cùng với đầu tư của Nhà nước… Trong điều kiện phát triển hiện nay, sự chờ đợi và kỳ vọng như thế không còn phù hợp.

Giải pháp bứt phá

 Với mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, các KKTVB trên cả nước đóng góp từ 53%-55% GDP quốc gia và 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy, KKTVB có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại VN.

khu kinh te 3

 Khu Kinh tế ven biển Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa

Các giải pháp căn cơ cho mục tiêu trên trên là thời gian tới, các địa phương cần phải rà soát lại quy hoạch các KKTVB. Các KKTVB phải xây dựng cân đối yêu cầu phát triển của địa phương và khu vực để đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc gia. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, các KKT phải lựa chọn phân kỳ đầu tư, cần xác định lại mục tiêu, mục đích, tiêu chí cho các KKT trọng điểm tạo đột phá, từ đó hình thành các khu tiếp theo. Đặc biệt, cả Trung ương và địa phương phải tập trung có những giải pháp tốt nhất để xây dựng các KKT hoàn thiện và phát triển.

 Bên cạnh đó, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý, tập trung của Trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút FDI và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển.

16 KKTVB nói trên gồm 2 khu kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng); 11 khu kinh tế ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hòa), Nam Phú Yên (Phú Yên) và Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị); 3 khu kinh tế ở miền Nam là khu kinh tế đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau).

 Gần đây, Chính phủ đã quyết định chọn 5 KKTVB có nhiều tiềm năng để ưu tiên tập trung đầu tư, với hy vọng sẽ tạo ra được các KKTVB phát triển năng động, là động lực phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, từ đó, lan tỏa ra các vùng, địa phương xung quanh. Đó là KKT Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi), KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa), KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), KKT Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang). Nhóm các KKTVB được lựa chọn này, đều có lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, hàng hải, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, du lịch biển, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung… Đây là một chủ trương phù hợp với điều kiện, khả năng của VN, nhằm tạo ra sự tập trung, có trọng tâm, trọng điểm về đầu tư phát triển, tránh được tình trạng dàn trải trước đây.

 Cùng với đó, các KKTVB cũng sẽ được tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, hệ thống sân bay, cảng biển… đồng bộ. Đồng thời, có chính sách linh hoạt, mang tính đột phá như trường hợp của KKT Phú Quốc, Chu Lai vừa qua, cũng là động lực tác động quan trọng để tạo đà cho các KKTVB phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 Các KKTVB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đưa VN trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi phải khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển các KKT.

Thùy Dương

Tin khác

Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Thương hiệu 2 ngày trước
(SHTT) - Nhằm tri ân khách hàng cũng như chào đón Đại lễ lớn 30/4-1/5, Hyundai Lê Văn Lương gửi tới khách hàng chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cực hấp dẫn cho quý khách hàng.
Kinh tế 6 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ở TP HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam chia sẻ Chuối tươi hàng Việt phủ 100% tại chuỗi siêu thị AEON Hong Kong.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Quý I/2024 hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, đa dạng... Các doanh nghiệp, nhà phân phối đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mại để tăng sức mua bán.