Khu công nghệ cao Đà Nẵng đi sau tiến nhanh
“Bến đỗ” của loạt dự án hàng chục đến trăm triệu đô
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Lê Trung Chinh cho biết: “Đà Nẵng năm 2022 tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và đứng thứ ba cả nước về chỉ số cải cách hành chính”.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào công nghiệp đặc biệt là công nghệ cao tại Đà Nẵng. Đáng kể trong đó có những doanh nghiệp “đại bàng” ở tầm cao đến từ các quốc gia lớn như Nhật Bản, Mỹ. Dòng vốn này đang dịch chuyển mạnh mẽ, trở thành sức hút mới mẻ khi chiếm trên 50% cơ cấu vốn FDI. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư đã có nhiều thay đổi, đặc biệt sau đại dịch Covid -19.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có lợi thế khác biệt của vùng đất đẹp đầy nội lực, ưu đãi lớn về chính sách, nguồn nhân lực dồi dào, là lựa chọn của nhiều chủ đầu tư dự án khi muốn xây dựng, mở rộng nhà máy sản xuất.
Tháng 6/2022, Công ty Vector Fabricaton InC (Hoa Kỳ) được Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư vào đây dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in (PCB) và vi cơ điện tử (MEMS). Các dự án lớn này có tổng vốn 1.367 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD.
Tiếp đó, khu công nghệ cao liên tục nhận thêm một số dự án trọng điểm như: nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, trị giá lên tới 170 triệu USD; dự án Tokyo Keii Precision Technology, trị giá 40 triệu USD và dự án Niwa Foundry Việt Nam, trị giá 30 triệu USD.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã ra văn bản nghiên cứu thực hiện đầu tư 2 dự án lớn tại Khu công nghệ cao là: nhà máy sản xuất in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu, sản xuất Compostie sợi Carbon in 3D và công ty Arevo Inc, tổng vốn đầu tư 135 triệu USD.
Từ những kết quả đó, khu công nghệ cao được ví như thỏi “nam châm” thu hút được những “ông lớn” đầu tư và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án. Trong số các dự án đăng ký đầu tư đã có 11/24 dự án hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Có 4/24 dự án đang xây dựng và 7/24 dự án đang tiến hành các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Sức bật, sự hấp dẫn này là nỗ lực xuyên suốt của Đà Nẵng trong nhiều năm cơ cấu lại kinh tế với tầm nhìn xa, chú trọng vào công nghiệp công nghệ cao. Theo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nhiều chính sách ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao là điểm cộng gây sự chú ý cho các chủ đầu tư. Đó là: thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, hoàn trả tiền lương bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Tính đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 25 dự án, trong đó 12 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 6,291 tỷ đồng và 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 607,6 triệu USD. Có 11/24 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng diện tích 57,4ha (6 dự án FDT có vốn đăng ký đầu tư 271,1 triệu USD và 5 dự án trong nước vốn đăng ký 1.454,45 tỷ đồng).
Nỗ lực bật lên tạo động lực tăng trưởng mới
Một trong những dự án trọng điểm của thành phố Đà Nẵng là nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Hoa Kỳ đầu tư tại khu Công Nghệ Cao.
Nhà máy được xây dựng trên nền đất cao, địa chất thuộc hệ mác ma biến chất, kết tinh thuận lợi xây dựng cơ sở hạ tầng không tốn kém cho việc chống lún. Những trang thiết bị hiện đại mà nhà máy đang sử dụng với công nghệ rất tiên tiến để góp phần chinh phục không gian.
Nhà máy chuyên cung cấp các bộ phận chi tiết trong ngành hàng không vũ trụ, nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệt hợp kim nhôm như máy bay các loại Boeing, Airbus, ATR, Embraer… và động cơ cho Rolls Royce. Nhà máy xây dựng trên diện tích 16,7ha này được vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị công nghệ cao, được áp dụng nghiêm ngặt các quy định của hệ thống quản lý an toàn quốc tế.
Mặc dù vừa trải qua đại dịch Covid -19 với nhiều “dư chấn” nhưng nhà máy vẫn có 100% lô hàng sản phẩm sản xuất xuất khẩu sang thị trường hàng không vũ trụ trên thế giới. Trong đó có các thị trường Châu Âu, Malaysia và Bắc Mỹ. Nhà máy đặt mục tiêu năm 2022 giá trị xuất khẩu đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 đạt trên 180 triệu USD. Từ giai đoạn 2 nhà máy đang tăng cường lắp đặt thiết bị, mở rộng sản xuất.
Hiện khu công nghệ cao Đà Nẵng có 04/24 dự án đang đầu tư xây dựng, 08/24 dự án đang làm thủ tục liên quan sau khi cấp… các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao đều đáp ứng điều kiện, tiêu chí về dự án công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao.
Giám đốc điều hành Vector Fabrication, ông Lương Văn Quang nhìn nhận: “Đà Nẵng có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ đặc biệt dành cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng thành phố đã sẵn sàng, vận tải cảng biển hỗ trợ tại khu công nghiệp phát triển mạnh”.
“Bước đầu các dự án của Khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Quý I/2022 doanh thu của các doanh nghiệp 742,2 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 12,8 triệu USD, nhập khẩu 15,95 triệu USD và nộp ngân sách 12,2 tỷ đồng”.
Ông Phạm Trường Sơn, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phấn khởi cho biết.
Để việc sản xuất hoạt động hiệu quả đối với từng dự án, Ban Quản lý đã tiến hành rà soát, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ vừa có tính giám sát vừa có tính định hướng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hậu Covid - 19, tiếp tục tăng hiệu quả sử dụng đất.
Theo đó, Ban quản lý hỗ trợ nhà đầu tư thủ tục nhập cảnh đối với các chuyên gia. Tạo điều kiện thuận lợi tối ưu để chuyên gia sớm triển khai công việc trong thời kỳ bình thường mới. Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án; nhất là các dự án quy mô lớn như dự án Nhà máy sản xuất hàng không vũ trụ của Công ty UAC Việt Nam, Công ty CP Long Hauk, Công ty Dentium. Đồng thời, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư và chuyên gia của dự án nhằm kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được hình thành sau các khu công nghệ cao quốc gia của cả nước như khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh. Thế nhưng, những bước đi đầu mạnh mẽ sẽ là “bậc thềm” chắc chắn nâng diện mạo kinh tế Đà Nẵng trong bức tranh tương lai nhiều đột phá, tiến nhanh đến mục tiêu tăng trưởng mới cho thành phố. Từ đó triển vọng môi trường kinh doanh và thương hiệu doanh nghiệp Đà Nẵng ngày càng đi lên với uy tín và đẳng cấp của thành phố đáng đầu tư.
Bảo Hòa