SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 02/12/2024
  • Click để copy

Không để tình trạng 'chảy máu chất xám' tiếp diễn

15:39, 16/09/2021
(SHTT) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đưa ra tại Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 15/9 vừa qua.

Chiều ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội.

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Lãnh đạo các địa phương tham dự trực tuyến qua các điểm cầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

BAC_8571

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức KH&CN, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực.

“KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Hiệu quả hoạt động KH&CN nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo”, Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra ngành H&CN nước ta vẫn còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KH&CN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. Trong 10 năm qua, số lượng công trình khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đã có tăng nhưng còn hạn chế... Việc tham gia tổng kết thực tiễn, những cách làm hay, sáng tạo, có tính đột phá còn hạn chế. Không ít công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện chứng từ, thủ tục thanh, quyết toán, thậm chí phải dùng nhiều biện pháp hành chính, kỹ thuật.... Hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, yêu cầu phải có hành động để quản lý sự thay đổi. Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động gắn với bối cảnh thế giới hiện nay, gắn với phát triển khoa học và đội ngũ trí thức.

BAC_8603

 

Lấy nhiều ví dụ về các vấn đề khoa học đặt ra từ thực tiễn phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép. Nhiều nhà khoa học đã rất tâm huyết, trách nhiệm góp ý với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, ghi nhận và rất trân trọng các ý kiến này.

Ông cũng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện… Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm có hiệu quả cùng với hệ thống chính trị của chúng ta.

Thủ tướng gợi mở một số đề tài, nội dung lớn mà các nhà khoa học, các trí thức cần tập trung nghiên cứu thời gian tới, như tiếp tục tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, việc xây dựng nền dân chủ XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; vấn đề chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số...; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số…; các vấn đề cấp bách, bất ngờ như COVID-19 (nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược)…

Nhấn mạnh yêu cầu tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, mà đất nước đang cần, Thủ tướng Phạm Minh Chính kể lại câu chuyện về một hội thảo quốc tế về san hô đỏ dự kiến được tổ chức tại Việt Nam. Các cơ quan liên quan đều đã đồng ý, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chỉ hỏi một câu là “Việt Nam có nhà khoa học nào trong lĩnh vực này không”? Khi được biết câu trả lời là không, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định không tổ chức hội thảo nữa.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển KH&CN, đi cùng với cơ chế, chính sách và sự đầu tư để khuyến khích, tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến… Cùng với đó, tăng cường hợp tác công – tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước… Thủ tướng nhấn mạnh, “trong văn hóa có khoa học, trong khoa học có văn hóa” và truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc cũng là một nguồn lực phát triển cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

“Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra – đó là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không? Tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó”, Thủ tướng chia sẻ. Ông mong muốn, các đại biểu, các nhà khoa học vì trách nhiệm với đất nước, với Liên hiệp Hội sẽ nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, hạn chế, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.

“Tôi cũng muốn đặt hàng các đồng chí về đề tài này để là nguồn tài liệu quý giá Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, tổ chức bộ máy, con người...”, Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương cũng phải quan tâm hơn nữa tới phát triển KH&CN, cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kể cả ý kiến trái chiều.

Thủ tướng nhắc lại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 1 của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để Nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống Nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô chú”. Thủ tướng đề nghị thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Bác để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển và thịnh vượng.

Ông nhấn mạnh, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững bản lĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, kể cả ý kiến trái chiều, để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để giải quyết ngay, những vấn thuộc thẩm quyền được để xuất tại Hội Nghị. Về các vấn đề vượt quá thẩm quyền thì tập hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thái An

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty khởi nghiệp Heart Aerospace của Thụy Điển đang chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của mẫu X1 vào đầu năm sau. Đây là máy bay điện thử nghiệm có kích thước tương đương máy bay thương mại 30 chỗ sắp ra mắt của công ty.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
Tại lễ bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam) 2024, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các bộ, ngành hoàn thiện chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Nhằm giúp người dùng thuận tiện hơn trong việc lưu trữ và thực hiện các thủ tục hành chính, hiện nay, sổ hộ khẩu điện tử đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số cũng như thúc đẩy phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng này của nước ta.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thị trường ô tô Việt Nam sắp chào đón thêm một tân binh trong phân khúc SUV cỡ nhỏ đến từ thương hiệu Haval với tên gọi Jolion.
. ..