Khoai lang tăng giá gấp hai đến 3 lần, nông dân mừng như trúng vàng
Kon Tum và Gia Lai là hai tỉnh có diện tích trồng khoai lang lớn, đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 4, khi thời tiết thuận lợi, nông dân thường tập trung canh tác nhiều hơn so với các vụ khác. Nơi đây cũng là vùng trồng khoai Lệ Cần lớn nhất cả nước.
Khoai lang Lệ Cần, đặc sản của Gia Lai, được trồng trên đất Lệ Cần, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, và đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Loại khoai này có hương thơm đặc trưng, ruột vàng nghệ, bở, ngọt lịm nhờ thổ nhưỡng bazan giàu mangan. Trong khi đó, khoai lang giống Nhật được nhập từ Đà Lạt và nhân rộng tại địa phương, có đặc điểm mềm, dẻo và ngọt hơn so với khoai Lệ Cần.
Điển hình tại xã Hà Mòn, Đăk Hà (Kon Tum), gia đình anh Tùng vui mừng cho biết đã thu hoạch 20 tấn củ, thu về 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 150 triệu đồng. "Khoai bán được giá cao, cộng năng suất tốt nên lợi nhuận ổn định hơn so với cây hoa màu khác", anh Tùng chia sẻ.
Năm nay, mỗi kg khoai có giá 15.000 đồng, gấp ba năm ngoái. Do đó, với 3 ha trồng gồm lệ cần và giống Nhật, anh Hiệp lãi khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Các thương lái cho biết giá khoai lang lên cao do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, nông dân chuyển đổi sang trồng cà phê, tiêu khi giá các loại này lên cao kỷ lục. Tháng 5, khi bước vào vụ mới, giá khoai dự báo sẽ còn tăng cao khi diện tích tiếp tục giảm, vào mùa mưa khoai dễ bị hỏng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kon Tum, Gia Lai, diện tích trồng khoai lang năm nay giảm so với những năm trước. Kon Tum thường duy trì khoảng 500-530 ha, còn Gia Lai khoảng 5.000 ha. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay, diện tích trồng khoai lang tại Kon Tum giảm 40%, trong khi Gia Lai chỉ còn khoảng 2.000 ha, so với 3.400 ha năm ngoái.
Nguyên nhân chính là giá khoai lang năm ngoái không ổn định, khiến nông dân chuyển sang trồng lúa, rau màu hoặc cây ăn trái.
Nhà chức trách đánh giá thị trường khoai lang đã hồi phục. Tuy nhiên, các thị trường tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Để sản xuất nông sản này theo hướng bền vững, nông dân bắt buộc phải thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo quy trình GAP, hữu cơ... tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, an toàn cho môi trường.
TH
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
