Khoa học công nghệ 'dẫn lối' người trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công
Nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt khi ứng dụng khoa học công nghệ thành công thu hút đầu tư và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng chất lượng hơn.
Từ những câu chuyện thực tiễn
Ông Nguyễn Văn Minh Đức, CEO công ty cổ phần công nghệ Hekate là một start-up công nghệ thành công điển hình của Đà Nẵng. Công ty tiên phong về công nghệ chatbot này được UBND thành phố ứng dụng trong quản lý hành chính công vào chính quyền điện tử. Qua đó quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến du khách trong nước và quốc tế.
Công ty Hekate là dự án khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đầu tiên đã lớn lên từ “hạt mầm” hỗ trợ của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) trong quá trình gây dựng và phát triển sản phẩm.
Ông Minh Đức chia sẻ ý tưởng thành lập công ty từ một cơ duyên: “Trong lần xem hội nghị của các nhà phát triển Microsoft, CEO của Microsoft cho biết chatbot là kiểu ứng dụng mới kết hợp trí thông minh nhân tạo, là cách mạng về hành vi của người dùng điện thoại trên nền tảng skype. Vốn là dân kỹ thuật lại đam mê công nghệ, tôi đã cùng nhóm bạn bắt tay vào nghiên cứu phát triển công nghệ Chatbot”.
Công ty thành lập cuối năm 2016 gặp không ít khó khăn. “Mới ra mắt chúng tôi được nhiều thương hiệu lớn liên hệ nhưng 4 lần đầu tiên đi gặp khách hàng tôi đã thất bại”.
Qua thời gian, bằng sự chân thành, tâm huyết dành cho sản phẩm và tinh thần không bỏ cuộc, Hekate đã từng bước thuyết phục những khách hàng lớn, những thị trường khó tính đồng thời không ngừng phát triển, cải thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Không phải cứ khởi nghiệp lần đầu là thành công ngay, phải kiên trì”, ông Đức nói.
“Không chỉ bán để lấy tiền mà tôi còn muốn những sản phẩm của mình mang lại giá trị cho xã hội, chính những giá trị đó khiến tôi rất vui khi thực hiện chứ không hẳn là doanh thu sẽ tăng lên bao nhiêu lần. Nếu khởi nghiệp chỉ dừng chân ở một mảng nào đó thì sẽ rất dễ bị “sao chép”, doanh nghiệp đó sẽ mãi ở quy mô vừa và nhỏ. Để vượt qua cột mốc của một doanh nghiệp khởi nghiệp và có thành tựu phải luôn nỗ lực để thay đổi và thực hiện đến cùng những ý tưởng của mình”, ông Lê Trung - lãnh đạo Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế công nghệ thông tin DRAGOLD nhiệt tình truyền lửa.
Start-up này qua bốn năm đã vươn xa cung cấp dịch vụ cho 10.000 giáo viên, 120.000 trẻ em sử dụng với 22 khóa học cùng 7.500 bài học để phát triển tư duy.
Bên cạnh việc làm chủ công nghệ, CEO DRAGOLD nhận định: “Nếu anh chị sinh viên muốn khởi nghiệp thì khuyến khích nhưng các bạn cần nắm được thế mạnh của mình, mục đích mang lại giá trị gì cho xã hội. Khi đó mới có thể thuyết phục người khác hỗ trợ dự án của mình”, ông Trung thẳng thắn.
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ
Hiện Đà Nẵng đang thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng. Hỗ trợ tư vấn công nghệ và hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực, các chương trình dự án.
Thành phố Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm thông qua một số hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ cho ươm tạo công nghệ. Trong đó, chi phí hỗ trợ lên đến 70% để thực hiện các đề tài. Điều này đã tạo động lực cho nhiều người mạnh dạn biến ý tưởng thành hành động thực tiễn.
Chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của UBND thành phố cũng đã cụ thể hóa các mục tiêu và nội dung chiến lược và chương trình Sở hữu trí tuệ quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Từ đó, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Trong hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của các start-up điển hình” ngày 24/6 tại thành phố Đà Nẵng, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng khẳng định: “Điểm chung của những start-up thành công đó là họ đều có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, nhiệt tâm nhiệt huyết và áp dụng tốt khoa học công nghệ để đạt được những thành quả đột phá. Xuất phát điểm của những người dám khởi nghiệp chính là những người người trẻ dám nghiên cứu khoa học công nghệ”.
Từ những thành công của các start-up điển hình về khoa học công nghệ, những người trẻ đang có ý định khởi nghiệp ở những lĩnh vực khác cũng học hỏi được tinh thần khởi nghiệp, dám sống với đam mê.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cũng cho biết thêm: "Sắp tới Trung tâm Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp cũng sẽ thực hiện khảo sát điều tra, đánh giá nhu cầu khởi nghiệp. Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ các trường Đại học xây dựng vườn ươm hay tạo ra nhiều diễn đàn dự án khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp có nhu cầu chia sẻ, kết nối".
Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng đã ban hành 19 chính sách liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố hình thành mạng lưới 6 vườn ươm, 4 quỹ đầu tư, 4 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp. Ngoài ra, có 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm tạo 147 dự án, hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho 17 dự án, chương trình ươm tạo với kinh phí 2,7 tỷ đồng.
Bảo Hoà