'Khai tử' thuốc lá điện tử là quyết định đúng đắn của thời đại!
Việt Nam chính thức cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Trong nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây
nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã chính thức cấm thuốc lá điện tử trên toàn quốc. Quyết định này nhằm ngăn chặn các hệ quả thống tiêu cực từ việc sử dụng thuốc lá điện tử, đồng thời bảo vệ thế hệ trẻ trước những tác động xấu về sức khỏe sức khỏe. Ngoài ra, việc cấm thuốc lá điện tử còn là một phần trong chiến lược giảm thiểu tác hại của thuốc lá nói chung, hướng tới một cộng đồng không khói thuốc. Các cơ quan chức năng cũng đang tăng cường tuyên truyền, giáo dục và kiểm tra việc buôn bán trái phép.
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi: “e-cigs”, “e-hookahs”, “mods”, “bút vape”, “vapes”,…Một số thuốc lá điện tử được sản xuất dưới hình dạng như: thuốc điếu truyền thống, xì gà hay ống điếu, có loại giống cây bút, ổ USB và những vật dụng thường ngày khác. Với thiết kế bắt mắt và hương vị đa dạng, các sản phẩm này dễ dàng thu hút giới trẻ, tạo nguy cơ cao về nghiện nicotine.
Thuốc lá điện tử đang hủy hoại sức khỏe của con người
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử là sản phẩm chứa nhiều chất hóa học nguy hiểm, chúng có thể gây tổn thương phổi cấp tính như: viêm phổi, tắc nghẽn phế quản. Thuốc lá điện tử gây nhiều nguy hại cho sức khỏe tim mạch: tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, huyết khối, nhồi máu cơ tim. Nicotine trong thuốc lá điện tử làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.
Số lượng thanh thiếu niên nhập viện do ngộ độc chất ma túy pha trộn trong thuốc lá điện tử đang gia tăng đáng lo ngại
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhiều học sinh đã phải nhập viện do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử, với triệu chứng nghiêm trọng như kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp. Một trường hợp điển hình là em N.A, 12 tuổi, học sinh trung học tại Hà Nội, được đưa đến Khoa Sức khỏe Vị thành niên của Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật và khó thở.
Theo lời kể từ gia đình, N.A. vốn là học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Tuy nhiên, do bố thường xuyên đi làm xa và mẹ bận rộn công việc, việc quan tâm, giám sát không được chú trọng. Gần đây, N.A. bắt đầu chơi với các anh lớn hơn trong trường, những người đã rủ em thử sử dụng thuốc lá điện tử. Cảm giác muốn “trải nghiệm” và “trưởng thành” khiến em đồng ý tham gia. Không chỉ dừng lại ở đó, N.A. còn tự mua thuốc lá điện tử trên mạng để có thể sử dụng thoải mái hơn.
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến học tập và hành vi của em. N.A. có dấu hiệu học hành sa sút, trở nên bướng bỉnh và có thái độ chống đối cha mẹ.
Tại TP Hạ Long, hai học sinh V.B.N và N.T.Q (cùng 17 tuổi) đã phải nhập viện trong tình trạng kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt và buồn nôn. Trước đó, cả hai em đều có sức khỏe bình thường, không có tiền sử bệnh lý.
Khoảng một giờ trước khi vào viện, hai học sinh này đã sử dụng thuốc lá điện tử. Ngay sau đó, các em cảm thấy nôn nao, chân tay bủn rủn, hoa mắt và buồn nôn. Kết quả chẩn đoán xác định cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Đội ngũ y tế đã tiến hành sơ cứu kịp thời và chuyển các em đến khoa Hồi sức tích cực để theo dõi và điều trị tiếp tục.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với hệ hô hấp, tim mạch và thần kinh. Chính vì vậy, quyết định cấm thuốc lá điện tử không chỉ là một biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh, an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Như Quý