Khai mạc Hội chợ Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2024
Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 có chủ đề “Hành trình từ linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh”, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Đức, Italia và các quốc gia khác.
Đây cũng là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam kết nối và thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế.
Hội chợ thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Công ty NC Network Việt Nam, Tập đoàn NC Network Nhật Bản, Công ty TNHH Mitutoyo Việt Nam, Công Ty CP tập đoàn CNCTECH, Công ty CP phần mềm DI GI WIN Việt Nam...
Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều là các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao... Đặc biệt trong hội chợ có sự tham gia của gần 40 đơn vị mua hàng đến từ trong và ngoài nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính Phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 05/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội. Với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 5 năm 2021-2025 và đến năm 2030 trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương, các sở ngành, đơn vị liên quan, các Hội, Hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
"Thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài vào đầu tư; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế...", bà Oanh nhấn mạnh.
Theo số liệu Sở Công Thương, ước tính 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 162,1 nghìn tỷ đồng. Toàn Thành phố thu hút 1,3 tỉ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó: Đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỉ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Thành phố đã tổ chức khởi công động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 27/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Một trong những nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn năm 2024, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức “Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2024”, thời gian mở cửa Hội chợ 8h30 phút đến 17h00 từ ngày 18 – 20/9/2024 tại Trung tâm triển lãm quốc tế ICE Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đây là Hội chợ chuyên ngành quy lớn về ngành công nghiệp hỗ trợ, được Thành phố Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay.
Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu, trình thành phố ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 30/11/2023 thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2024. Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước có ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, điện điện tử, công nghệ thông tin… để thu hút đầu tư vào các Khu, cụm công nghiệp; tổ chức làm việc, trao đổi thông tin với đoàn các doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Kochi, Fukuoka – Nhật bản; phái đoàn công tác thành phố WONJU tỉnh GANGWON – Hàn Quốc, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; hợp tác trong đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thân thiện môi trường, ít tiêu hao năng lượng; mở rộng xuất khẩu, tham gia hệ thống phân phối vào thị trường Nhật bản, Hàn quốc, trung Quốc, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà các bên là thành viên. Đến nay, Hà Nội có gần 1000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có trên 35% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Theo ông Phan Đăng Tuất Chủ tịch Vasi cho biết: Hiện nay Vasi đã kết nối 1200 doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi tự tin trở thành khách hàng của mọi đối tác trên Thế giới. Tại hội chợ triển lãm này, các thành viên của Vasi đã tham gia gian hàng trên 50% cho thấy độ phủ sóng của các doanh nghiệp thành viên Vasi. Lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu... Đây là cơ hội tốt để chúng tôi được giao lưu, tiếp cận và học hỏi các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân cho biết, thông qua hội chợ, doanh nghiệp có thêm cơ hội gặp gỡ, tiếp cận những đơn vị có nhu cầu cải tiến, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội phát triển, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp đòi hỏi TP Hà Nội hỗ trợ tiền thuê mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các đơn vị” - ông Vân kiến nghị.
Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam Yasuo Uchihara cho biết, NC Network và FNA Group có mạng lưới thông tin doanh nghiệp chế tạo với gần 40.000 hội viên tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Các doanh nghiệp đến hội chợ lần này có cơ hội gặp gỡ và giao thương với những đối tác tiềm năng, tạo ra những cơ hội đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến với triển lãm lần này, Intech Group mang đến các sản phẩm, giải pháp bao gồm: Gia công cơ khí chính xác; Sản phẩm con lăn chuyên nghiệp; Hệ thống kho Shuttle; Xe tự hành line từ; Hệ thống phân loại tự động line shorting...
Có mặt tại triển lãm, nhiều chuyên giá cho rằng, để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam cần phải chuyển đổi từ việc chỉ sản xuất linh kiện đơn lẻ sang sản xuất các cụm chi tiết phức hợp, và tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam cần tăng cường hợp tác và liên kết chặt chẽ với nhau.
Triển lãm diễn ra từ ngày 18 - 20/09/2024.
Hữu Phúc
TIN LIÊN QUAN
-
FPT Long Châu điều động 10 tấn thuốc hỗ trợ người dân vùng lũ
-
TOP 6+ set quà tặng tết 2025 độc đáo, vừa túi tiền và sang trọng làm quà biếu người thân, quà tết đối tác
-
Chạy quảng cáo Bất động sản trên Facebook chuyên sâu tại IMTA
-
Viên tăng lực nhân sâm tỏi đen Zbull Fast nhận Giải thưởng Sản phẩm – Dịch vụ chất lượng Vàng 2024
Tin khác
- máy xay đậu nành
- Tinh Hà - Giải pháp gia công