Khai mạc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0
Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên, thu hút hàng ngàn đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 (năm 2021) gồm 10 phiên hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9/11-18/11/2021) và phiên toàn thể (sáng 6/12).
Chuỗi 10 phiên Hội thảo chuyên đề đã tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp-nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Phiên toàn thể có chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” tập trung vào các báo cáo chính gồm khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch COVID-19; Công nghiệp 4.0: xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu. Lần đầu tiên tăng trưởng quý III năm 2021 giảm sâu (-6,17%), đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%.
Dự báo dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường; nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
“Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng đã trình bày Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19. Mục tiêu của chương trình là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xoay quanh: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hà Vân