SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam: Trạm xử lý nước thải chưa thể... xử lý nước thải

06:30, 14/07/2017
Trạm xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm hồi tháng 1/2017. Song quá trình vận hành thử nghiệm chưa thể xử lý được nước thải, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Để khắc phục vấn đề này, đơn vị thi công đề xuất xây dựng bổ sung thêm nhiều hạng mục, với chi phí đầu tư phát sinh khoảng 8 tỷ đồng.

Nhiều chỉ tiêu vượt thiết kế?

Sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ xử lý nước thải làng nghề, ngày 5/7/2013, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Trạm xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu và Nha Xá, tỉnh Hà Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 102 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, gói thầu xây dựng hạ tầng, trạm xử lý nước thải, cung cấp lắp đặt thiết bị, trạm biến áp và đường điện cao thế công trình tại xã Hòa Hậu có giá trị 48,4 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích 21.626m2.

Mặc dù trong Quyết định số 712/QĐ-UBND ghi rõ: “Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến 2015”. Song phải tới tháng 1/2017, dự án mới hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm. Tưởng chậm sẽ chắc, nhưng không, sau hơn 3 tháng đưa vào vận hành thử nghiệm, kết quả trạm xử lý nước thải không thể xử lý được nước thải, với lý do: Nước thải dệt nhuộm từ các hộ sản xuất thải ra vượt nhiều lần so với thời điểm khảo sát thiết kế ban đầu. Vì vậy, nước thải chưa được xử lý triệt để, gây ứ đọng, chảy tràn trong khu xử lý và môi trường xung quanh, ô nhiễm môi trường. Điều này được thể hiện tại Văn bản số 576/STN&MT-DA ngày 26/5/2017, do ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam ký.

Ngày 15/6/2017, có mặt tại cống xả thải của trạm xử lý nước thải nói trên, chúng tôi ghi nhận nước thải chảy từ bên trong cống xả thải ra kênh bãi bồi của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Cốc, nối với sông Hồng có màu đen như dầu luyn, nồng nặc mùi hóa chất. Đi dọc theo bờ kênh khoảng 500m tới sông Hồng là trạm bơm nước thô của Nhà máy Nước Mỹ Lộc (Công ty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Nam Định). Theo quan sát của phóng viên, cả dòng kênh dường như không còn sự sống: Bèo, cỏ héo úa, chết khô; cá chết nổi lềnh bềnh…

Những thông tin trên đã được chúng tôi phản ảnh tới Sở TN&MT tỉnh Hà Nam. 4 ngày sau (ngày 19/6/2017), Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã ban hành Văn bản số 619/STN&MT-MT đề nghị: “UBND huyện Lý Nhân, UBND xã Hòa Hậu và các hộ sản xuất trong khu dự án tạm dừng sản xuất từ ngày 19/6/2017 đến 20/7/2017 để điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải và vận hành chạy thử đạt quy chuẩn nước thải đầu ra”.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu: “Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (đơn vị thi công) cùng Công ty Cổ phần MOPHA (đơn vị thiết kế) và các chuyên gia có kinh nghiệm xử lý nước thải nghiên cứu, đề xuất ngay giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm nước thải đầu ra đạt quy chuẩn thiết kế”.

Ngày 22/6/2017, đơn vị thi công có Văn bản số 530/AIC gửi Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, cho biết: “Công ty chúng tôi đã khảo sát hiện trường và tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải đầu vào trước khi qua trạm xử lý. Kết quả cho thấy, một số chỉ tiêu phân tích cho giá trị rất cao, vượt ngưỡng nhiều lần so với giá trị thiết kế ban đầu của hệ thống xử lý. Cụ thể: Màu cao gấp 70 lần, COD cao gấp 18 lần, BOD cao cấp 4 lần, TSS cao gấp 3,5 lần...”.

vietcuong933

 Bèo tây, cỏ trong lòng kênh gần trạm xử lý nước thải bị héo úa, chết khô.

Cần thêm 8 tỷ đồng để điều chỉnh công nghệ

Để khắc phục vấn đề này, đơn vị thi công đề xuất: Xây dựng thêm một bể nổi điều hòa với dung tích 200m2; bổ sung hệ thống bể yếm khí (bao gồm 6 bể bằng inox) với dung tích 200m2 và có bộ phận điều khiển nhiệt tự động để bảo đảm quá trình nuôi cấy vi sinh; bổ sung thêm một máy ép bùn khung bản. Đối với giải pháp công nghệ này, mức chi phí phát sinh đầu tư khoảng 8 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hà Nam), cho biết: "Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, nhiều hộ sản xuất không chịu chuyển vào dự án nên không có nước thải để xử lý".

Theo ông Lê Văn Hưng: “Từ khi vận hành thử nghiệm tới nay, chỉ một vài lần đơn vị quản lý xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Chúng tôi chưa xác định được lượng nước thải vượt quy chuẩn được xả thải ra môi trường là bao nhiêu nên không thể đánh giá mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, với mức độ ô nhiễm như vậy, không ảnh hưởng tới nguồn nước trạm bơm nước thô của Nhà máy Nước Mỹ Lộc đang khai thác. Để khắc phục hậu quả, Sở TN&MT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Nam xin bổ sung kinh phí để điều chỉnh công nghệ, nhưng chưa được UBND tỉnh chấp thuận”.

Dư luận xã hội ở địa phương đang đặt câu hỏi: Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm cho việc thẩm định dự án này? Đề nghị UBND tỉnh Hà Nam sớm xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu phát hiện có sai phạm.

Theo Quân đội nhân dân

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 1 ngày trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.