SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Hướng ra cho trường nghề

09:59, 05/04/2013
Một nghịch lý hiện nay là doanh nghiệp muốn tuyển dụng được nhân lực có kỹ năng, tay nghề nhưng lại không quan tâm tới công tác đào tạo, thiếu sự liên kết với các cơ sở dạy nghề. Trong khi đó, các trường nghề lại chỉ chú trọng đào tạo những chương trình nhà trường có mà chưa quan tâm đến nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội…
  • Cần doanh nghiệp tham gia

Tại một hội thảo tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, đã ví các trường dạy nghề hiện nay đang đào tạo theo kiểu “đồng phục may sẵn” nên kết quả có khi phù hợp với doanh nghiệp này nhưng không phù hợp với doanh nghiệp khác. Để công tác dạy nghề hiệu quả, cần có sự bắt tay hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có được nguồn nhân lực theo yêu cầu và công nghệ của mình cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để “đặt hàng” trường nghề và ngược lại trường nghề muốn “sống” được phải thay đổi phương pháp và công nghệ cho phù hợp với yêu cầu xã hội. 

Hiện nay, các trường nghề chủ yếu đào tạo “cái mình có” theo chương trình mà chưa chú trọng đến “cái thị trường cần”, nhu cầu từng ngành nghề mà doanh nghiệp cần trong tương lai. Nói cách khác, các cơ sở đào tạo không biết những “sản phẩm” mình làm ra được thị trường, xã hội chấp nhận đến đâu. Đó là chưa nói đến chất lượng dạy nghề vẫn còn thấp, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chưa phù hợp, thiếu thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động cũng như công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, hiện các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp hay các trường cao đẳng đóng trên địa bàn TPHCM đủ khả năng đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp cho rằng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nhưng rất ít tìm đến các cơ sở đào tạo nghề để “đặt hàng”. Để khắc phục nghịch lý trong đào tạo và tuyển dụng, doanh nghiệp và nhà trường phải bắt tay hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên đến thực tập, thực hành nghề, thậm chí tham gia đào tạo cùng nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường thay vì đào tạo những nghề mình có thì hãy đào tạo theo cái doanh nghiệp cần. Muốn có sản phẩm nhân lực đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng, doanh nghiệp phải chủ động đặt hàng nhà trường với những thông số cụ thể như ngành nghề, số lượng, trình độ, kỹ năng, tính cách, tác phong…

  • Tuyển sinh đi liền tuyển dụng

Trong tháng 3-2013, Trường Cao đẳng Nghề iSpace (Thủ Đức) phối hợp với Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), Hội Tin học TPHCM (HCA) và Thành đoàn TPHCM ký kết chương trình “Tuyển sinh đi liền tuyển dụng”. Đây là chương trình tuyển sinh để đào tạo và cung ứng nhân sự ngành công nghệ thông tin (CNTT) theo đơn đặt hàng của 7 doanh nghiệp.

Theo đó, trong đợt đầu sẽ tuyển dụng 360 chuyên viên CNTT với thời gian đào tạo 30 tháng. Các chuyên viên này sẽ được thực hành tại các doanh nghiệp đặt hàng như iCare, iPL, iSecurity, ACER, Toshiba, MicroGame… và ra trường sẽ được nhận ngay vào làm với mức lương như đã được cam kết trước khi vào học. 

Lợi thế của chương trình “Tuyển sinh đi liền tuyển dụng” là chính các doanh nghiệp đặt hàng cùng trực tiếp tham gia vào việc huấn luyện ứng viên, gồm các kỹ năng thực hành, các kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử doanh nghiệp….

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề iSpace Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: Nhà trường sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với những tiêu chuẩn chuyên môn và kỹ năng được yêu cầu. Chính doanh nghiệp cũng trực tiếp tham gia vào huấn luyện ứng viên. Phương thức của iSpace là kết hợp vừa đào tạo vừa tương tác, thực hành tại chính doanh nghiệp đặt hàng. Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp văn bằng cao đẳng nghề chính quy. Ngoài các giảng viên xuất sắc của iSpace, khóa học còn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực. Các chuyên gia này được tuyển cử từ các doanh nghiệp có đặt hàng tuyển dụng nhằm giúp sinh viên tiếp nhận trực tiếp kiến thức từ thực tế của doanh nghiệp. 

Trong thời gian học, iSpace và doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm và khi ra trường sẽ được làm việc ngay tại doanh nghiệp với mức lương cơ bản 60-70 triệu đồng/năm. Một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được doanh nghiệp cấp học bổng hoặc cho nợ học phí đến khi có lương sẽ hoàn lại.

“Việc các doanh nghiệp gắn kết, đặt hàng cơ sở đào tạo nghề là nhu cầu cần thiết cho nhà trường, doanh nghiệp và cả người học. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đào tạo lại nhân lực, đồng thời có thể tuyển dụng được nguồn lao động thích ứng ngay với công nghệ sản xuất, yêu cầu của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Nhà trường đỡ được khoản đầu tư về thiết bị thực hành, còn người học yên tâm vì ra trường sẽ có việc làm” - ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch HCA, phân tích. 

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Chiều 27/3, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Thông tin tại buổi Họp công tác Triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 3/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ của Đề án 06.