Hưng Yên: Phát hiện lô máy tạo oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ
Qua trao đổi thông tin của Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên, mới đây, tại khu vực đường 39 (địa phận thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ), tổ công tác đội Chống buôn lậu - phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô mang BKS: 51D-133.16 có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe ô tô đang vận chuyển trên 50 chiếc máy tạo oxy (dùng trong lĩnh vực y tế) trên vỏ bao bì có ghi chữ nước ngoài.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là anh Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1989, trú tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên xe.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên đã bàn giao toàn bộ số hàng hóa trên cho Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, đồng thời tiếp tục tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, lo lắng trước sự quá tải của các bệnh viện điều trị COVID-19 cũng như để chủ động hơn trong việc tự chăm sóc tại nhà nếu chẳng may nhiễm bệnh, nhiều người đã đổ xô đi mua máy tạo oxy dùng cho gia đình.
Chỉ cần lên mạng tìm kiếm cụm từ máy tạo oxy, hơn một chục triệu kết quả hiện ra ngay trước mắt người dùng, trong đó rất nhiều trang quảng cáo rao bán thiết bị này, từ website, sàn thương mại điện tử cho đến mạng xã hội Facebook. Giá bán các máy tạo oxy dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/sản phẩm. Người bán có thể là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ trong nước lẫn nước ngoài.
Người mua nếu không có kiến thức sẽ rất dễ bị "hoa mắt" trước những lời quảng cáo đầy hấp dẫn của các sản phẩm cũng như giá bán "siêu cạnh tranh", thậm chí có cả "giao hàng miễn phí từ nước ngoài về Việt Nam"...
Trước vấn đề này, các chuyên gia cảnh báo nếu những chiếc máy tạo oxy không đáp ứng đúng yêu cầu điều trị y tế, không chỉ khiến người mua mất tiền mà còn chẳng giúp được gì cho người bị bệnh suy hô hấp hoặc nhiễm COVID-19.
Thậm chí, nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không tự ý đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, không tự ý sử dụng máy thở, máy tạo oxy tại nhà vì đây là một công việc cần có chuyên môn cao được đào tạo bài bản và có đầy đủ trang thiết bị đi kèm.
Minh Hà