Huế - Kinh đô ẩm thực được cấp bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận
Với sự tham mưu, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu đưa các di sản văn hoá thành tài nguyên phát triển kinh tế - xã hội, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” cho các đặc sản ẩm thực Huế” được giao Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu triển khai. Ngày 22/3/2022, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu Huế Kinh đô ẩm thực Gastronomy Capital được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Di sản văn hoá ẩm thực Huế định hình trên nền tảng địa lý tự nhiên ở Huế và các yếu tố lịch sử văn hoá bản địa phương Nam, những yếu tố mang đậm bản sắc cội nguồn Việt - Mường từ miền Bắc. Bằng sự đa dạng nguồn nguyên liệu dân dã từ dân gian cho tới cung đình với sơn hào hải vị qua bàn tay tâm huyết và tài năng của nhiều thế hệ chủ nhân Văn hoá Huế bao gồm giới quý tộc thượng lưu, cung đình và bình dân. Ẩm thực Huế được nâng tầm trở thành văn hoá với đẳng cấp vượt trội.
Với 1700 món ăn của Huế được kiểm kê, điều tra cho thấy các món ăn cơ bản chia làm 3 loại: Ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - từng nhấn mạnh trong một Hội thảo về tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch Thừa Thiên Huế: “Ẩm thực là loại hình du lịch có sức hút rất lớn đối với du khách hiện nay và được nhiều điểm đến khai thác thành công. Nhiều du khách chọn Huế là điểm đến và trở lại từ mong muốn khám phá ẩm thực đặc sắc của cố đô.

Nhãn hiệu chứng nhận Huế Kinh đô ẩm thực Gastronomy Capital được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ.
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho 22 món ăn đặc trưng nhằm tiến tới đăng ký bản quyền và quản lý hiệu quả các món ăn mang thương hiệu Huế như: bún bò Huế, bánh khoái, bánh bèo, chè hạt sen, bánh canh Nam Phổ, cơm hến… Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chí về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để phát huy giá trị các nhà hàng đảm bảo đủ tiêu chuẩn đăng ký nhãn hiệu.
Thời gian tới, ngành Du lịch Huế tiếp tục xây dựng các tour thưởng thức món ăn Huế như: ẩm thực về đêm, ẩm thực đường phố, ẩm thực đầm phá, thưởng thức các loại bánh Huế, chè Huế, cơm Huế dân gian và cung đình, ẩm thực chay.
Từ đây, du khách đến với Huế khi khám phá ẩm thực vùng đất cố đô có thể được thưởng thức những đặc sản có nguyên liệu sạch, nghệ thuật nấu ăn, chế biến tinh hoa của người Huế, trải nghiệm việc đi chợ, nấu ăn như một người Huế bản địa.
Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” thu hút cộng đồng xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá cốt lõi ẩm thực Huế, thúc đẩy phát triển ngành du lịch – ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Tình yêu và việc thích được người khác mến mộ tài vén khéo trong chuyện bếp núc chính là nhân tố làm nên nét đẹp trong phẩm chất, khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ Huế biến cái bình thường thành điều ấn tượng, biến sự đạm bạc thành chất thanh lịch, tinh tế”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân Viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế - chia sẻ.

Chè hạt sen một trong những đặc sản của Kinh đô ẩm thực.
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sáng tạo đầy ấn tượng của người Huế nữa là phong cách sống giữ chất thanh lịch, cao sang của chốn kinh kỳ trong khi thực lực kinh tế khiêm tốn. Dù phải đối diện hàng ngày những đong đếm vì khó khăn, người Huế vẫn không bỏ qua kiểu cách, tỉa vẽ, điệu nghệ nâng tầm ẩm thực theo phương thức thi vị hoá, thẩm mỹ hóa, triết lý hoá cái đạm bạc, bình dị.
Hiện Huế có đến 11 đặc sản được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp vào 14 - Top đặc sản nổi tiếng Việt Nam; 96 đặc sản được hỗ trợ nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.
Bảo Hoà
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
