Huawei tìm kiếm trợ giúp mới từ Hàn Quốc sau lệnh gia hạn cấm vận tại Mỹ
Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành sắc lệnh nghiêm cấm các nhà sản xuất chip bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp linh kiện sản xuất cho Huawei vào tháng 5 năm ngoái và gần đây, lệnh cấm tiếp tục kéo dài thêm một năm nữa.
Trước động thái mới của chính quyền Trump, gã khổng lồ Trung Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Samsung Electronics và SK Hynix chi nhánh Trung Quốc để chống lại mục đích khiến hoạt động của công ty này bị đóng băng.
Hiện đại diện của cả Samsung Electronics và SK Hynix vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.
Được biết, Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất của Samsung và SK Hynix khi công ty chi hơn 10 nghìn tỷ won (khoảng 8,1 tỷ USD) để mua chip nhớ flash DRAM và NAND từ các công ty Hàn Quốc.
Các động thái cầu cứu đối tác Hàn Quốc được triển khai sau khi Giám đốc Điều hành Huawei, Guo Ping thừa nhận “hoạt động kinh doanh của tập đoàn chắc chắn bị ảnh hưởng do các đòn trừng phạt gần đây của Mỹ”.
Giới phân tích cho rằng lo ngại trước các lệnh trừng phạt sắp tới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Huawei cần nhanh chóng tìm các chuỗi cung ứng chip thay thể để chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố quy định sửa đổi về xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei vốn là các sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh cáo Washington sẽ tiếp tục hạn chế "phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ cho Huawei và các công ty Trung Quốc đều sẽ nằm trong diện bị trừng phạt”.
Đáp lại điều này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ phản đối mạnh mẽ sự cấm đoán vô lý của Hoa Kỳ và cho rằng những hạn chế này đang hủy hoại nền sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc cũng yêu cầu Hoa Kỳ dừng ngay hành động của mình và cảnh báo sẽ có biện pháp đối phó cần thiết.
Vào năm ngoái, Mỹ bắt đầu đưa Huawei và ZTE vào danh sách đen với cáo buộc các công ty này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Tring Quốc. Chính quyền Trump với các nghi ngờ về việc thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác đã liên tục thực hiện các lệnh cấm, đồng thời đưa ra các lệnh áp đặt kinh doanh với chính các nhà sản xuất Mỹ đã hạn chế giao thương. Hai công ty này luôn bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ.
Phạm Loan