SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng

13:52, 25/04/2022
(SHTT) - Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm "Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng". Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4.

 Chương trình được tổ chức với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật bản quyền tác giả, quyền liên quan cũng như khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo, tạo cơ hội học hỏi, giao lưu và gắn kết học sinh, sinh viên giữa các trường, nhà trường với cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên không gian mạng.

ban quyen tren khong gian mang

 

Ngay trong lãnh thổ Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền đang rất nhức nhối ở một số bộ phận người trẻ nói chung, HSSV nói riêng. Dù vô tình hay cố ý, HSSV cũng rơi vào muôn vàn kiểu vi phạm bản quyền. Cụ thể, theo PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật (ĐHQGHN), sao chép là một trong những vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng cốt lõi hiện nay của các em: “HSSV thường xuyên phải làm tiểu luận, công trình nghiên cứu khoa học hay chỉ đơn giản là bài tập nhỏ. Tuy nhiên, nhiều em vì không hiểu hết về bản quyền nên đã lên mạng sao chép toàn bộ tài liệu của người khác. Hay để tránh bị thầy cô phát hiện, phần mềm quét trúng, các em còn sao chép hết sức tinh vi bằng cách chỉnh sửa font chữ hoặc sao chép mỗi chỗ vài ý. Kế thừa tri thức là quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, nhưng các em phải diễn đạt tri thức đó theo cách của mình chứ không được phép lấy toàn bộ sản phẩm tạo ra từ lao động trí tuệ của người khác. Hành vi này bị coi là vi phạm nghiêm trọng các quy định về bản quyền tác giả”.

Không chỉ sao chép tài liệu, văn bản, trong bối cảnh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay, thời gian qua, rất nhiều HSSV rơi vào “bẫy” vi phạm bản quyền mà không hề hay biết. “Nhiều em lầm tưởng đăng tải video lên mạng xã hội không vì mục đích doanh thu đã là tuân thủ vấn đề bản quyền. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, vì nếu muốn được đăng tải, các em phải có sự đồng ý của tác giả hoặc đơn vị nắm giữ tác quyền và ghi rõ nguồn. Đáng buồn là việc này hầu như không được mọi người làm theo”, bà Phạm Thị Kim Oanh nói.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam cho biết thêm, nếu không trực tiếp có hành vi vi phạm, một bộ phận HSSV lại tiếp tay cho những kẻ khác xâm phạm bản quyền. Thực trạng này xảy ra rất phổ biến trong lĩnh vực văn hóa. Luật sư chỉ rõ: “Thay vì ra rạp xem phim hoặc xem ở những nền tảng cần trả phí bản quyền, các bạn lại đi xem review phim trên mạng. Một bộ phim dài 2 tiếng nhưng chỉ tóm tắt lại bằng video dài khoảng hơn chục phút. Xem review, biết hết tình tiết rồi thì ai còn muốn bỏ tiền ra rạp xem phim nữa. Tôi khuyên các em nếu có nhu cầu xem thì hãy xem trailer rồi đến rạp thưởng thức, bởi nếu chỉ “cày” review trên mạng thì sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho chủ sở hữu tác quyền, đặc biệt là kinh tế quốc gia”.

Để tăng cường quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã hoàn thành việc xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền về hồ sơ đề xuất gia nhập hai Hiệp ước về internet của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) từ ngày 17/02/2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) từ ngày 01/7/2022. Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Trên thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ người dưới 24 tuổi và 90% trong số này đang sinh sống ở các quốc gia đang phát triển. Số lượng thanh thiếu niên (dưới 35 tuổi) sẽ sớm tăng lên trong tương lai. Là nhân tố tự nhiên của sự đổi mới hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, thế hệ trẻ là những người kiến tạo, sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện nay, đặc biệt trên không gian mạng khi điện thoại di động và internet kết nối toàn cầu, thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và không gian mạng, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy khả năng sáng tạo và đổi mới kinh doanh.

Hà Anh

Tin khác

Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc cho thấy cam kết của quốc gia này trong việc chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.