SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Hoạt động không vì lợi nhuận: Nguyên tắc trong xây dựng, phát triển ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

07:53, 14/11/2020
(SHTT) - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo hướng không vì lợi nhuận (KVLN) ngay từ khi thành lập. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động, cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Trường như hiện nay.
1.1. PV-Tai-Anh-BaiPR-Bao-giay-thang10-2020-TruongDHKDCNHN

Trụ sở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Hà Nội. 

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ra đời và phát triển trong bối cảnh thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học (GDĐH) ở Việt Nam giai đoạn 1986-2005. Điểm khác biệt có tính đặc thù so với nhiều trường đại học tư thục (ĐHTT) cùng thời là Trường được tổ chức và hoạt động theo hướng không vì lợi nhuận (KVLN) ngay từ khi thành lập. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động, cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Trường như hiện nay.

Nhận diện loại hình ĐHTT KVLN trong quá trình xã hội hóa GDĐH ở Việt Nam

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Từ đường lối đổi mới của Đảng, ý tưởng về sự ra đời của loại hình trường đại học ngoài công lập được hình thành ở một số tổ chức và cá nhân. Năm 1988, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xây dựng thí điểm Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long) tại Hà Nội.

Năm 1993, Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó khuyến khích mở các trường lớp dân lập và cho phép mở trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập 05 trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam với tên gọi trường ĐẠI HỌC DÂN LẬP, gồm 03 trường ở thành phố Hà Nội, 01 trường ở thành phố Đà Nẵng và 01 trường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1996, Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000. Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển các trường bán công, dân lập ở những nơi có điều kiện, từng bước mở các trường tư thục ở một số bậc học như: mầm non, phổ thông trung học (cấp III), trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học”. Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, giai đoạn 2000 – 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 05 trường đại học dân lập.

Ngày 14/06/2005, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Giáo dục. Tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, loại hình trường đại học bán công và dân lập bị xoá bỏ trên văn bản, chỉ còn một loại hình trường đại học ngoài công lập duy nhất là trường ĐẠI HỌC TƯ THỤC. Như vậy, loại hình trường đại học ngoài công lập Việt Nam sau năm 1975 chính thức được xác lập vào năm 1994 và loại hình trường đại học tư thục vào năm 2005.

Về nhận diện các loại hình trường theo chính sách xã hội hóa: Loại hình trường ngoài công lập có thể thấy ở các cấp học như đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông, trung học cơ sở, mầm non, mẫu giáo v.v… Phát triển đa dạng. Xét theo tiêu chí chủ sở hữu (người bỏ vốn đầu tư thành lập) thì trường ngoài công lập được phân thành 2 nhóm: Các trường do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập và trường của tư nhân (hay còn gọi là trường dân lập). Ở loại thứ hai là các trường do một người, hoặc một nhóm người bỏ vốn thành lập (hay còn gọi là trường tư thục).

Ở khu vực trường tư thục (xã hội hay gọi tắt là trường tư) có thể phân chia thành hai loại xét theo tiêu chí: Lợi nhuận và phi lợi nhuận. Theo đó, những trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận thường do một người hay một gia đình thành lập và thu lợi, nó giống như một doanh nghiệp tư nhân. Loại trường này cũng có thể do một nhóm người thành lập và thu lợi, nó giống như một công ty trách nhiệm hữu hạn. Trường sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách thuế của Nhà nước; phần còn lại sẽ được phân chia cho cách nhà đầu tư theo % vốn góp.

Loại thứ hai là loại trường tư thục phi lợi nhuận (là trường KVLN). Loại trường này nếu nguồn thu đáp ứng cho các khoản chi, nếu còn số dư – không quan niệm là “lợi nhuận”, thì không đem chia cho người góp vốn mà được để tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo. Và trường không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp – được Nhà nước ưu đãi bằng các chính sách thuế, đầu tư.

KVLN là guyên tắc xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển nhà Trường

Trường Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập bởi Quyết định số 405/QĐ-TTg ngày 15/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi ban đầu là Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. 10 năm sau, tên Trường được đổi thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do GS. Trần Phương - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế - nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trường (nay là Phó Thủ tướng), cùng các nhà tri thức, nhà khoa học, nhà quản lý đã nghỉ hưu… có tâm huyết vì sự hưng thịnh của nền giáo dục đại học nước nhà thành lập. Dù với tên gọi nào thì trường đều hoạt động với mục tiêu KVLN.

1.2. PV-tai-Anh-baiPR-bao-giay-thang10-2020-truongDHKDCN

 

Trong các giai đoạn phát triển, Trường được tổ chức và hoạt động theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ[1] và quy chế tổ chức, hoạt động nội bộ. Theo đó, Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển Trường bền vững vì mục đích đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không vì mục đích lợi nhuận. Trường là một đơn vị thành viên của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam do Trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thành lập và xây dựng theo mô hình tư thục, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của UBND thành phố Hà Nội.

Trường là tổ chức tự chủ về tài chính, hoạt động theo pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại ngân hàng, có trụ sở tại Hà Nội.

Theo điều lệ Nhà trường, các cổ đông của Trường có nghĩa vụ: hết lòng, hết sức trong phạm vi khả năng của mình góp phần vào việc xây dựng và phát triển Trường; bài trừ mọi hành vi tác hại đến lợi ích và thanh danh của Trường, hoặc lợi dụng danh nghĩa của Trường để mưu lợi ích riêng; xây dựng quan hệ hợp tác trung thực giữa các cổ đông với nhau, hình thành một tập thể đoàn kết, vì sự nghiệp cao cả của Trường; bài trừ mọi hành vi chia rẽ, gây rối nội bộ…

Bộ máy của Nhà trường được tổ chức và vận hành trên nền tảng các quy định nội bộ (trên các mặt công tác) được xây dựng, ban hành bài bản, khoa học và dân chủ. Bộ máy tổ chức Nhà trường gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Giám hiệu (gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng). Các tổ chức trực thuộc Ban Giám hiệu gồm: Hội đồng khoa học và đào tạo, các phòng, ban chức năng, các khoa, các tổ chức nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học và dịch vụ đào tạo. Trong Trường còn có tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội.

Vốn điều lệ của Trường thể hiện rõ yếu tố KVLN, gồm 2 thành phần: Vốn góp cổ phần của các cổ đông và Quỹ tích lũy không chia. Vốn góp cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông. Quỹ tích lũy không chia hình thành từ: Quỹ phát triển, Quỹ dự phòng… được tích tụ qua các năm từ ngày thành lập Trường, đó là “Quỹ tích lũy không chia thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông”. Quỹ này tạo lập nên trụ sở, cơ sở học tập, tài sản  phục vụ cho học tập v.v… Đó là cơ sở vật chất vững chắc cho sự phát triển trường tồn của Trường. Thu nhập hàng năm trừ chi phí nếu có số dương là thu nhập ròng, được sử dụng như sau: Lập Quỹ dự phòng, Quỹ phúc lợi, Quỹ phát triển.

Để hoạt động hiệu quả, Trường chú trọng chức năng thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường kiểm soát tuân thủ nội bộ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng danh nghĩa, uy tín của Trường để tiến hành các hoạt động không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Trường.

Trải qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, Trường đã và đang đào tạo hàng trăm nghìn sinh viên, học viên, các cán bộ tại các địa phương trên khắp cả nước; cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nhiều sinh viên của Trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, được các cơ quan tuyển dụng và người sử dụng lao động đánh giá cao về kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, thành thạo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, kỹ năng mềm và tương đối thành thạo về ngoại ngữ. Hơn 80% sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương hấp dẫn.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Trường Đại  học Kinh doanh và Công nghệ đã và đang tiến hành một cách bài bản, có hệ thống các hoạt động kiện toàn tổ chức quản trị của Trường theo mô hình Hội đồng trường trên nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo tôn chỉ của Trường là KVLN, vừa đảm bảo được lợi ích chính đáng của cổ đông; đưa ra nhiều phương án khả thi về mô hình Hội nghị Nhà đầu tư và Hội đồng trường theo Luật GDĐH.

Việc tiếp tục chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường ĐHTT KVLN cũng được nhà Trường tiến hành thận trọng. Đến ngày 9/8/2018, đại đa số cổ đông, đại diện cho hơn 90% số vốn góp ký cam kết đồng ý chuyển đổi loại hình trường dân lập hiện nay sang loại hình ĐHTT KVLN. Ngày 10/8/2018, Hội đồng quản trị đã họp và ban hành nghị quyết số 41/NQ-HĐQT về việc: “Tán thành việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận”. Ngày 18/8/2018, Đại hội đồng cổ đông họp và ra Nghị quyết về việc chuyển đổi mô hình từ Trường dân lập sang Trường ĐHTT KVLN để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 671/QĐ-TTg Về việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục.

Hiện nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi trường từ loại hình trường dân lập sang loại hình trường tư thục, kiện toàn tổ chức quản trị nhà Trường theo mô hình Hội đồng trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận nhà trường là trường ĐHTT KVLN. Ngày 01/8/2020, Hội đồng quản trị Trường đã ban hành Thông báo số 1777/TB-HĐQT về kế hoạch và lịch trình tiến tới Đại hội đồng cổ đông nhà trường (đồng thời cũng là Hội nghị Nhà đầu tư). Theo đó, các phần việc được phân công cho các tổ chức, chủ thể có thẩm quyền trách nhiệm theo lộ trình xác định đảm bảo việc kiện toàn tổ chức theo kế hoạch được thông qua trên tinh thần vì mục tiêu chung, dân chủ, đoàn kết và phát triển.

Các hoạt động có tính chất pháp lý nêu trên để chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thể hiện bước đi thận trọng của lãnh đạo Nhà trường, thể hiện nhãn quan nhạy bén trước xu hướng phát triển của GDĐH thế giới, đem lại niềm tin cho nhà đầu tư, người dạy, người học.

PGS.TS. Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

[1] Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17 tháng 1 năm 2005 về “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Tư thục”, Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 1 năm 2009 về “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Tư thục”, Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 về “Điều lệ của trường Đại học”.

Tin khác

Trong nước 10 giờ trước
Được chế tác thủ công và mạ vàng thật, cúp Rồng vàng đang là điểm nhấn và thu hút sự chú ý tại giải GolfViet Spring Cup 2024.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Hiệp hội bất động sản Việt Nam bình chọn Dự án của Văn Phú - Invest lọt top 5 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng năm 2024.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ thanh niên, độ tuổi từ 18 – 35 tuổi xây dựng và thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp tại địa phương, qua đó phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập tại các địa bàn dự án triển khai.