Hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trước 30/9/2025
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị tăng cường chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID), trao đổi dữ liệu y tế giữa các cơ sở y tế, giữa các tuyến; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh.
Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo thuận lợi cho người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế...
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu ưu tiên nguồn lực, khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025.

Bệnh án điện tử được xem là giải pháp quan trọng nhằm thay thế những hồ sơ bệnh án giấy truyền thống, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Hệ thống này không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn giúp các bác sỹ, nhân viên y tế có thể theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết, hiện nay, tất cả (100%) các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) và 100% các bệnh viện đã kết nối với bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định bảo hiểm y tế điện tử.
Đến nay, đã có 142 bệnh viện công lập và tư nhân trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Thanh toán viện phí điện tử cũng tiến bộ vượt bậc so với 5 năm trước đây khi Bộ Y tế có chỉ thị về triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, khoảng 71% các bệnh viện đã áp dụng thanh toán điện tử…
"Tuy nhiên, so với yêu cầu thì việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở các bệnh viện chưa đạt được yêu cầu theo lộ trình thực hiện quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Cả nước hiện có khoảng 1.500 bệnh viện công lập và tư nhân", PGS Trần Quý Tường chỉ rõ.
Có nhiều nguyên nhân của việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử còn chậm trễ. Tuy nhiên, có 3 điểm nghẽn chính. Thứ nhất, nhiều Giám đốc và lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, còn ỷ lại, trông chờ cơ quan quản lý cấp trên.
Thứ hai, chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với các bệnh viện chậm trễ triển khai bệnh án điện tử theo quy định. Thứ ba, cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có mục chi cho công nghệ thông tin, trong giá thành dịch vụ y tế chưa có thành phần CNTT.
Hiện, các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng CNTT, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện.
Phạm Tuấn
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội phân luồng, rút ngắn thời gian xử lý đối với các nhóm hồ sơ thủ tục công
-
Thái Nguyên là địa phương đứng đầu về số lượt truy cập cổng thông tin điện tử
-
Hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tầm nhìn đến năm 2050
-
Chính thức công bố danh sách 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024
Tin khác
