Hoài Linh hoá thân mẹ chồng hà khắc gây xúc động trên sân khấu quê nhà
Hàng vạn người hâm mộ đội mưa đón đợi xem dàn sao Việt trong đó có danh hài – nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh biểu diễn. Dàn sao lưu diễn tại thị xã Điện Bàn đêm cuối cùng trong chương trình nghệ thuật "Nghĩa tình quê hương" tối ngày 21/8 sau 10 ngày liên tục lưu diễn tại nhiều huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam.
"Nghĩa tình quê hương" miễn phí vé vào cổng. Đây không chỉ là chương trình nghệ thuật quy tụ nhiều sao Việt mà còn mang ý nghĩa trao gửi vạn phúc trong mùa hiếu đạo. Chương trình do những người con xứ Quảng phối hợp Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM cùng chính quyền địa phương tổ chức.
Thị ủy viên, Bí thư xã Điện Phương phát biểu: “Thời tiết không thuận lợi nhưng cũng không làm cho bà con quản ngại đến đây. Bà con hết sức nhiệt tình đón xem những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất”.
Nghệ sĩ Hoài Linh được rất nhiều người hâm mộ chờ đợi và chào đón. Tiếng reo hò, vỗ tay khi Hoài Linh xuất hiện cho thấy tình cảm nồng ấm của người dân quê nhà dành cho anh không hề giảm nhiệt.
“Nãy thấy mưa quá đang ngồi trong kia ăn liền chạy ra đây, thấy tội mọi người phải che dù, đội áo mưa”, Hoài Linh ra sân khấu với lời cảm ơn trời đất đã kịp tạnh sau cơn mưa như trút nước trong những phút đầu chương trình để người dân có thể tiếp tục thưởng thức trọn vẹn hơn các tiết mục nghệ thuật. Sau ca khúc “Về đâu mái tóc người thương” da diết, Hoài Linh tiếp tục gửi tặng khán giả 2 câu vọng cổ sâu lắng về mẹ mang tên “Tiếng hát đầu nôi” cùng lời nhắn nhủ giữ lấy nguồn cội, bản sắc văn hóa.
Khán giả đủ lứa tuổi ken kín, vây quanh sân khấu. Cô Phùng Thị Kim Phụng (Điện Phương, thị xã Điện Bàn) cho biết: “Tôi rất vui khi lâu rồi mới được xem các nghệ sĩ nổi tiếng về quê biểu diễn. Đến giờ này tôi vẫn ngồi đây là vì muốn xem chú Hoài Linh trở lại”. Cô Phụng cùng nhiều bạn trẻ liên tục bắn tim thể hiện tình cảm yêu mến Hoài Linh.
Đêm diễn còn có trích đoạn Duyên Kiếp - câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình đầy bi kịch của một người phụ nữ không thể sinh con do Thoại Mỹ vào vai. Hoài Linh gây bất ngờ khi nhận vai diễn phản diện là một bà mẹ chồng hà khắc.
Chân đất, trang điểm có phần sắc sảo, Hoài Linh khẳng định đẳng cấp ngôi sao qua từng lời thoại có khả năng “sát thương” đối phương, rất hợp với tuyến diễn biến tâm lý nhân vật anh đảm nhận. Qua đó, anh dẫn dắt cho câu chuyển lên đến cao trào.
Kết thúc vở diễn ấn tượng này, Hoài Linh nói về Thoại Mỹ: “Nghệ sĩ lên sân khấu sống hết mình cho vai diễn, nhìn lên màn hình led sẽ thấy từng ánh nhìn, giọt nước mắt. Cô ấy diễn rất tuyệt vời, rất yêu nghề. Có những đêm diễn Thoại Mỹ đã bị "đá" rơi xuống rồi, mà cô ấy còn nói tôi "đạp" thêm để cô lăn từ sân khấu xuống.”.
Hoài Linh vừa nói vừa chỉ cho khán giả thấy đoạn nối sân khấu xuống chỗ ngồi của khán giả là những bậc cấp làm từ khung sắt rất nguy hiểm. Đó cũng là nơi nhân vật cô con dâu Thoại Mỹ bị mẹ chồng Hoài Linh đá lăn xuống sau khi van khóc rồi ngất lịm. Phát hiện ra chi tiết này, anh sợ làm đau bạn diễn và không nỡ "đá" Thoại Mỹ mạnh như lúc tập.
Mặc dù Hoài Linh không nỡ nhưng NSƯT Thoại Mỹ với khao khát dấn thân cho nghệ thuật đã tự mình lê xuống từng bậc cấp. Vở diễn có những phân cảnh cực ấn tượng khi Thoại Mỹ trở nên điên loạn vì những chỉ trích, lễ giáo và đối mặt với sự thực đau lòng. Từ bản thể khao khát giữ hạnh phúc, cô trở nên hay đố kỵ, ghen ghét và tạo ra bi kịch cho một đại gia đình.
“Vở diễn cho thấy sự hà khắc của chế độ phong kiến, còn bây giờ phụ nữ được bảo vệ bởi luật pháp nên không còn bạo hành như thế này nữa. Hi vọng những người phụ nữ nóng tính lỡ có con dâu như thế xin quý vị hãy nhìn lại xem, chỉ nên nói nhẹ thôi, đừng động thủ sẽ làm tổn thương lẫn nhau. Mong mọi người hài lòng với vở diễn này”, Hoài Linh dí dỏm và khiêm nhường chia sẻ.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Hoài Linh cũng bày tỏ sự xúc động của mình trong đêm diễn cuối trên quê hương xứ Quảng: “Mỗi khi có dịp về quê, đi qua đây để vào nhà ông nội lúc nào Linh cũng nhìn chỗ này và mong ước một ngày nào đó thấy phục dựng Dinh Trấn Thanh Chiêm, thị xã Điện Bàn - nơi được xem là cựu đô của Đàng Trong này thật hoành tráng. Hi vọng di tích sẽ sớm được trùng tu, phục dựng lại”.
Nghệ sĩ Bình Tinh - trưởng đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long, quán quân Sao Nối Ngôi năm 2016 mở màn chương trình với ca khúc “Vó ngựa trên đồi cỏ non”. Mưa nặng hạt, giọng ca đầy nội lực của Bình Tinh vẫn kéo người dân đứng yên để thưởng thức.
Các phần biểu diễn của NSƯT Hữu Quốc, Thanh Ngọc, Ngân Tuấn, Lý Hùng, Tố My, Thanh Hằng, Hồ Việt Trung, Ngọc Sơn cùng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long được người dân vui vẻ đón nhận. Chương trình kéo dài từ 19 giờ tới 24 giờ, trong phút mở màn gặp mưa lớn thế nhưng người dân không vì thế mà giảm bớt hào hứng.
Trước đó, chương trình đã có những buổi biểu diễn thành công tại huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đại Lộc và Điện Bàn. Chương trình gửi đi thông điệp ý nghĩa về ơn nghĩa sinh thành, uống nước nhớ nguồn qua nhiều nhạc phẩm nổi tiếng về tình cha, lòng mẹ, các giai điệu trữ tình quảng bá cho đất và người xứ Quảng.
Bảo Hòa