Họa sĩ Phạm Hồng Minh bị 'tố' sao chép và ký tên lên tranh nhái
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, hoạ sĩ Lê Thế Anh - giảng viên tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đăng tải một chia sẻ dài về sự việc anh bị chép tranh. Người sao chép tranh của anh là Phạm Hồng Minh - một họa sĩ có tiếng trong giới giải trí - còn ký tên vào những bức tranh này.
Cụ thể, theo chia sẻ của họa sĩ Lê Thế Anh, vừa qua anh phát hiện bức tranh "Lì xì nhé" của mình bị nhái và có chữ ký của họa sĩ Phạm Hồng Minh trên tranh. Sau đó, Lê Thế Anh đã liên hệ Phạm Hồng Minh và được biết họa sĩ này mua bức tranh ở đường Trần Phú (Quận 5, TP.HCM).
Lúc đầu, họa sĩ Lê Thế Anh dự định bỏ qua vì không muốn ồn ào. Tuy nhiên, sau đó anh phát hiện Phạm Hồng Minh còn sao chép một bức tranh khác của anh là "Cô gái Dao Đỏ" và cũng ký tên. Lúc này, anh quyết định lên tiếng để làm bài học cho ai có ý định ăn cắp chất xám của người khác.
"Mình choáng hơn là bạn ấy chép tranh của mình và ký tên luôn. Nổi tiếng thế mà đi chép tranh của mình. Mà phải đính chính thêm là xem tranh bạn ấy chép, không chệch một ly so với bản gốc thì chắc chắn là bạn ấy in ra trên toan rồi phớt màu lên thôi, chỉ khổ người mua bỏ tiền thật mà sở hữu tranh rởm", họa sĩ Lê Thế Anh lên tiếng.
Theo họa sĩ Lê Thế Anh, chữ ký trên các văn bản nói chung và đặc biệt là với tác phẩm hội hoạ nói riêng vô cùng quan trọng. Bất luận, tranh ấy là Phạm Hồng Minh chép hay người khác chép thì chỉ cần Minh ký vào đó, nghiễm nhiên tranh đó là của Minh vẽ ra, Minh là tác giả. Mọi lời nói là người khác chép hoặc mua từ cơ sở chép tranh mang về đều vô tác dụng. Việc ký tên là tác phẩm được hiểu là việc đánh dấu sự sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh.
Họa sĩ Lê Thế Anh khẳng định, nếu Phạm Hồng Minh không có thành ý nhận lỗi, có thể dẫn tới việc Minh phải làm việc với luật sư, toà án trong tương lai gần.
Trong khi đó, phản pháo ngay trên mạng xã hội, Phạm Hồng Minh gay gắt: "Khi đã mua tranh về đó là quyền sở hữu của người mua, nên họ viết, ký, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền lợi!!! Chúng ta là những người lớn, những cuộc sống lo toan bộn bề… Chúng ta cần tìm sự bình yên hơn là phiền phức rắc rối, nhưng anh lại gieo sự phiền phức rắc rối này cho Minh!?".
Phạm Hồng Minh được nhiều người biết đến qua cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam’s Got Talent 2012 với những tiết mục trình diễn vẽ tranh bằng lửa, nước, kim tuyến…
Quyền nhân thân được quy định cụ thể tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền:
– Đặt tên cho tác phẩm.
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.
Quang Thắng