Hố sụt khổng lồ chứa khu rừng cổ đại tại Trung Quốc
Vùng tây nam Trung Quốc là nơi có địa hình karst, hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn. Trải qua hàng trăm nghìn năm, nước mưa thấm qua lòng đất tới lớp đá nền và dần dần xói mòn đá vôi. Nước sông có tính axit nhẹ mở rộng những vết nứt thành đường hầm và hang động, cuối cùng không thể chống đỡ trần đá. Do đó, trần đá đổ sập xuống đáy, tạo ra hố sụt khổng lồ.
Theo Zhu Xuewen, nhà nghiên cứu ở Viện địa chất học đá vôi tại Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc, hố thiên đường rất độc đáo. Chúng nằm trong số những hố sụt lớn nhất thế giới, đặc biệt là hố Xiaozhai Tiankeng nằm ở huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh. Đây là hố sụt sâu nhất trên Trái Đất. Để trở thành hố thiên đường, hố sụt phải sâu và rộng ít nhất 100 m. Hố thiên đường cũng phải có cạnh dốc và sông ngòi chảy dọc đáy, theo Xuewen. Ví dụ, ở Xiaozhai Tiankeng, mùa mưa tiếp nước cho một dòng sông dưới lòng đất chảy ngoằn ngoèo qua hang động.
Trung Quốc có khoảng 200 hố thiên đường, chủ yếu phân bố từ tỉnh Thiểm Tây ở miền trung tới Quảng Tây ở tây nam. Khoảng 1/3 diện tích Trung Quốc có địa hình karst, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới.
Một đội khám phá hang động leo xuống hố sụt nằm gần làng Ping'e ở huyện Lạc Nghiệp và đo hố sâu 192 m, rộng 306 m. Phát hiện này nâng tổng số hố thiên đường ở Lạc Nghiệp lên 30. Đáy hố có một khu rừng nguyên sinh với những cây cổ đại cao tới 40 m.
"Do khác biệt về địa chất, khí hậu và nhiều yếu tố khác, cách địa hình karst xuất hiện trên mặt đất có thể rất khác nhau", George Veni, nhà địa chất thủy văn chuyên nghiên cứu về địa hình karst terrains kiêm giám đốc điều hành Viện nghiên cứu karst và hang động quốc gia Mỹ, chia sẻ. "Trung Quốc có địa hình karst đặc biệt ấn tượng với hố sụt khổng lồ và lối vào hang động cực lớn. Ở những nơi khác trên thế giới, bạn có thể bước đi trên địa hình karst mà không hề phát hiện".
TH