Hiệu quả vaccine COVID-19 của Nga, Trung Quốc có thể chỉ đạt 40%
Cụ thể, theo tin tức trên Reuters, vaccine COVID-19 do Công ty dược phẩm Trung Quốc CanSino Biologics phát triển là sản phẩm dựa trên một dạng sửa đổi của virus adeno loại 5 (Ad5). Trong khi đó, vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga phát triển, được phê duyệt vào đầu tháng này cũng dựa trên Ad5 và virus adeno loại 2 ít phổ biến hơn.
Anna Durbin, một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Johns Hopkins cho biết, Ad5 làm tôi lo ngại vì rất nhiều người có khả năng miễn dịch với virus này. Ông cũng nhận định hiệu quả của các loại vaccine của Nga và Trung Quốc có thể sẽ không đạt được 70% hiệu quả mà chỉ dừng lại ở 40%. Đây là con số chưa thể đạt tiêu chuẩn như mong đợi khiến nhiều người dè chừng sử dụng.
Vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu để chấm dứt đại dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 845.000 người trên toàn thế giới. Viện Gamaleya của Nga cho biết phương pháp tiếp cận 2 loại virus của họ sẽ giải quyết các vấn đề về miễn dịch Ad5.

Tuy nhiên, bài báo này lại chỉ ra, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm vaccine dựa trên Ad5 chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng trong nhiều thập kỷ, nhưng không có loại nào được sử dụng rộng rãi. Họ sử dụng virus vô hại làm “vật trung gian” để chuyển gen từ virus cần tiêu diệt vào tế bào trong cơ thể con người, thúc đẩy phản ứng miễn dịch để chống lại virus thực sự. Nhưng nhiều người đã có sẵn kháng thể chống lại Ad5, điều này có thể khiến hệ thống miễn dịch không tấn công virus SARS-CoV-2 và vaccine trở nên vô dụng.
Tiến sĩ Hildegund Ertl, giám đốc Trung tâm vaccine Viện Wistar (Mỹ) cho biết: “Tôi nghĩ rằng vaccine sẽ chỉ có hiệu quả ở những người không có kháng thể với Ad5, nhưng con số này sẽ rất ít".
Các chuyên gia cho biết, khoảng 40% dân số ở Mỹ và Trung Quốc có lượng kháng thể cao do từng tiếp xúc với Ad5 trước đó. Ở châu Phi, con số này có thể lên tới 80%.
Một số nghiên cứu khác trên thế giới đã chọn các virus hoặc các cơ chế khác để điều chế vaccine chống COVID-19. Đại học Oxford và AstraZeneca sử dụng virus adeno trên loài tinh tinh thay vì con người. Trong khi đó công ty Johnson & Johnson sử dụng Ad26, một chủng virus tương đối hiếm.
Tiến sĩ Zhou Xing, từ Đại học McMaster của Canada, đã làm việc với CanSino để điều chế vaccine dựa vào Ad5 cho bệnh lao cho biết: “Vaccine của Đại học Oxford có lợi thế hơn hẳn so với vaccine của CanSino".
Hiện các mẫu vaccine COVID-19 của Nga và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn cuối cùng và chưa rõ hiệu quả thực sự của các sản phẩm này đối với việc chống lại virus SARS-CoV-2, do đó, giới chức y tế thế giới hầu hết vấn khá e dè trước bất kỳ khẳng định nào về chúng.
Thái An
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
