Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp sinh viên
Với chủ đề "Sáng tạo đột phá cho nông nghiệp thông minh", cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp lần V" thu hút hơn 100 dự án. Trải qua nhiều vòng thi, ban tổ chức đã chọn ra 12 dự án xuất sắc vào vòng chung kết. Trong đó, có 7 dự án được lựa chọn trình bày trước nhà đầu tư, doanh nghiệp với tiêu chí sản phẩm mang tính khả thi và tiếp cận với thị trường.
Phát biểu tại cuộc thi, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn - Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP.HCM - cho biết cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp là mô hình giúp cho các bạn sinh viên có thể trải nghiệm thông qua ý tưởng của bản thân, qua đó phát triển thành mô hình kinh doanh và thương mại hóa sau này. “Có thể thấy cuộc thi năm nay có nhiều điểm đổi mới so với năm trước. Cuộc thi là cơ hội cho các bạn tiếp cận với vấn đề khởi nghiệp và thương mại hóa trong tương lai”, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn nhấn mạnh.
Tham gia cuộc thi lần này các bạn sinh viên đã mang đến nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, có tiềm năng thương mại hoá.
Một trong những những dự án có thể kể đến là sản phẩm trà rau sam của nhóm các bạn Nguyễn Thị Vân Anh và Nguyễn Ngọc Yến Nhi (Khoa Khoa học sinh học). Trong một lần đi công tác và được chiêu đãi món salad rau sam, các bạn đã tìm hiểu những sản phẩm liên quan đến rau sam tại Việt Nam.
“Rau sam phổ biến ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng chủ yếu là thức ăn cho gia súc, chưa được chú ý đến tính dược liệu. Nhiều sản phẩm liên quan đến rau sam được bày bán trên Amazon rất nhiều, nhưng tại Việt Nam thì chưa có”, Vân Anh cho biết.
Theo nhóm dự án rau sam có khả năng ức chế những enzym liên quan đến bệnh đái tháo đường rất tốt. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tận dụng rau sam và sử công nghệ sấy thăng hoa để tạo ra sản phẩm trà rau sam. Với sản phẩm này, người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, từ đó hỗ trợ việc ăn uống được đa dạng hơn thay vì quá kiêng khem.
Với dự án "Viên sữa chua Kefir", nhóm sinh viên gồm Huỳnh Thị Bảo Trân, Tô Lâm Giang, Nguyễn Huỳnh Kim Uyên (khoa Khoa học sinh học) mong muốn đây là món ăn mới, lạ, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa cho người dùng.
Bảo Trân - trưởng nhóm dự án - cho biết Kefir là một giống men dùng để lên men sữa và chứa nhiều lợi khuẩn cho cơ thể.
"Trên thực tế, sữa chua Kefir và sữa chua thông thường sẽ có sự khác biệt nhất định về bản chất. Kefir có chứa khoảng 30 chủng lợi khuẩn, trong đó có những nhóm lợi khuẩn mà sữa chua thông thường không có như: Lactobacillus Kefiri, Lactobacillus Caucasus, Leuconostoc, Acetobacter species, và Streptococcus species. Do đó, sữa chua Kefir được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hoá hơn sữa chua thông thường (thường chỉ chứa 1-2 chủng probiotics)", Trân cho biết.
Để tạo nên viên sữa chua Kefir, nhóm dự án đã dùng nguyên liệu gồm nấm Kefir và sữa tươi ủ ở nhiệt độ, thời gian thích hợp. Sau đó thu về mẻ sữa chua uống Kefir, nhóm phối trộn các thành phần và cấp đông sản phẩm, sau đó dùng công nghệ sấy thăng hoa để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng được đánh giá cao tại cuộc thi như: Hạt mít rang mật ong, Easy Green - Giải pháp xanh cho không gian sống, OCOP Ninh Thuận, SfC (Scent from Chemical Engineering - Hương thơm từ Kỹ sư hoá, Biện pháp thay thế kháng sinh điều trị bệnh ho cũi ở chó bằng cách áp dụng nguyên liệu đến từ thiên nhiên là mật ong bạc hà cùng với các loại nhiên liệu thiên nhiên khác.
Đánh giá về chất lượng cuộc thi năm nay, TS. Đỗ Xuân Hồng - Trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết về ý tưởng và quá trình thực hiện dự án của sinh viên có sự tiến bộ hơn so với những năm trước. "Hầu hết các sản phẩm tham gia vào cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp tại trường Đại học Nông lâm TP.HCM đều được phát triển từ ý tưởng nghiên cứu khoa học. Các nhóm dự thi đều nhận được sự hỗ trợ từ các thầy cô, chuyên gia trong trường cho nên xét về khía cạnh ý tưởng sản phẩm thì có sự đồng đều giữa các dự án. Năm nay, nhiều ý tưởng có thể chạm đến được thị trường, được thầy cô đánh giá khá cao", TS. Đỗ Xuân Hồng cho biết.
Theo TS. Đỗ Xuân Hồng sinh viên tham gia cuộc thi năm nay không chỉ nắm chắc về kiến thức chuyên môn mà các bạn còn đưa ra được sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó, các sinh viên theo học tại trường đã kết nối nhiều khoa khác nhau để tạo ra đội ngũ sáng lập. Hơn nữa, sinh viên tự thẩm thấu về mô hình kinh doanh, biết đưa ra những khó khăn, những phân tích về thị trường, tự tin trình bày dự án trước ban giám khảo.
"Đánh giá chung về khả năng thương mại dự án, các sản phẩm đều có khả năng chạm vào thị trường, nhưng ở mức độ nhỏ, chưa có tầm vóc của doanh nghiệp đang vận hành và cạnh tranh trên thị trường", TS. Đỗ Xuân Hồng cho biết.
Theo TS. Đỗ Xuân Hồng để đưa ý tưởng khởi nghiệp từ trường học ra đến thị trường, các bạn sinh viên còn phải vượt qua nhiều rào cản cơ bản như mạng lưới kết nối, khó khăn về vốn, hỗ trợ tư vấn về pháp lý để vận hành doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến quản trị. Chưa kể các sinh viên dù sao tuổi đời vẫn còn đang ở mức trẻ, tích lũy chưa đủ. Do đó thông qua cuộc thi này, nhà trường mong muốn hỗ trợ tất cả các mặt các bạn đang thiếu, giúp hiện thực hóa dự án khởi nghiệp rõ ràng hơn, thành công cao hơn.
Võ Liên