Herbitech và Pharmacity: Khi thuốc giả khoác áo thương hiệu thật, ai bảo vệ người bệnh?
Ngày 25/4/2025, thông tin Công ty TNHH công nghệ Herbitech (ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả được cơ quan chức năng công bố trên báo chí.
Bộ Công an xác định công ty này sản xuất, gia công sản xuất khoảng 200 sản phẩm. Trong đó, công an xác định 2 sản phẩm giả là thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất là Baby Shark BABY và Medi Kid Calcium K2 dành cho trẻ em.
Đặc biệt, Herbitech đã sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả, có phiếu chỉnh sửa từ “không đạt” thành “đạt”, có phiếu được làm giả hoàn toàn. Những sản phẩm không đạt chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đã bị "hô biến" thành hàng đạt chuẩn, rồi được đưa ra thị trường qua các nhà thuốc được cho là uy tín.
Pharmacity chậm trễ thu hồi!?
Trong khi dư luận vẫn chưa hết phẫn nộ vì sai phạm của Herbitech, thì sự chậm trễ của Pharmacity - chuỗi nhà thuốc được cho là lớn nhất Việt Nam – lại gây sốc cho người tiêu dùng.

Phạm Vũ Khiêm - Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech - bị bắt. Ảnh: CACC
Trả lời báo chí, đại diện Pharmacity cho biết đã dừng phân phối và tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm có liên quan đến Herbitech và các công ty liên kết từ ngày 13/5, sau khi vụ việc bị phanh phui. Trong đó, 4 sản phẩm mang thương hiệu Pharmacity bị thu hồi gồm: PMC Hoạt Huyết, Ginkgo Biloba, Joint Care và Liver Support - đều là các dòng thực phẩm chức năng quen thuộc, được bán rộng rãi trên hệ thống nhà thuốc của Pharmacity.
“Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, việc tạm ngừng kinh doanh vẫn được nhà thuốc Pharmacity thực hiện với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, đồng thời thể hiện cam kết của nhà thuốc Pharmacity trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”, thông báo được Pharmacity đưa ra sau 18 ngày kể từ khi thông tin về Herbitech công bố.
Đi kèm với thông báo là thời gian thu hồi chỉ đến ngày 31/5 (hoặc khi có thông báo mới) và kèm theo một số điều kiện như: Có hóa đơn bán lẻ, là thành viên Pharmacity, có lịch sử đặt hàng thành công,...
Thực tế, khách hàng vốn không biết Herbitech là ai, mà chỉ bỏ tiền mua vì thấy logo Pharmacity in rõ trên bao bì và được bán trong hệ thống này. Những sản phẩm ấy không phải món hàng thông thường, mà là thực phẩm chức năng hỗ trợ cho người già, trẻ em, bệnh nhân sau điều trị – những nhóm người dễ tổn thương nhất.
Giờ đây, với hơn 200 sản phẩm đã được Herbitech gia công, sản xuất, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng kiểm định chất lượng. Trong đó, các sản phẩm có gắn nhãn Pharmacity cũng không thể chỉ một thông báo thu hồi là xong.
Ai chịu trách nhiệm với người tiêu dùng?
Gần đây, nhiều người nổi tiếng (KOL) đã bị cơ quan chức năng xử lý vì quảng cáo sản phẩm sai sự thật, không có giấy phép hoặc gây hại cho người tiêu dùng. Điển hình, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog từng gây bão mạng xã hội vì tiếp thị một sản phẩm vi phạm, sau khi báo chí vào cuộc và cơ quan chức năng điều tra thì phát hiện đây thực chất là một đường dây sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Thông báo thu hồi và điều kiện được hoàn tiền được Pharmacity đưa ra. Ảnh chụp màn hình
Một câu hỏi được đặt ra: Nếu KOL đã bị điều tra và xử lý, thì Pharmacity với tư cách là nhà phân phối trực tiếp, có thương hiệu in rõ trên sản phẩm phải chịu trách nhiệm đến đâu?
Là thương hiệu nổi tiếng, lại kinh doanh trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, Pharmacity không thể cẩu thả đến nỗi không nắm rõ quy trình của đơn vị sản xuất. Đây không còn đơn giản là lỗi truyền thông, mà là lỗi hệ thống, là sự buông lỏng trong kiểm soát đầu vào, dẫn đến việc đưa hàng loạt sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất hàng giả ra thị trường.
Câu hỏi là trong 200 sản phẩm mà Herbitech đưa đến tay người tiêu dùng qua những đơn vụ uy tín như Pharmacity – liệu còn bao nhiêu sản phẩm bị làm giả? Bao nhiêu sản phẩm kém chất lượng?
Người tiêu dùng đã quen với hình ảnh người nổi tiếng cúi đầu xin lỗi công chúng, rồi bị tẩy chay. Nhưng nếu cả một hệ thống nhà thuốc lớn nhất nước cũng chỉ nói "xin lỗi" rồi chờ sóng dư luận qua đi thì thật nguy hiểm, vì niềm tin người bệnh không phải món hàng để mang ra đánh cược.

Viên uống Pharmacity Hoạt huyết tăng cường tuần hoàn máu não do Công ty Herbitech sản xuất. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Mỗi viên thuốc, mỗi hộp thực phẩm chức năng ra thị trường không chỉ mang giá trị thương mại, mà còn là trách nhiệm với sinh mạng người bệnh. Không có chỗ cho sự cẩu thả, không có chỗ cho lợi nhuận làm lu mờ đạo đức. Và nếu việc đưa thuốc không rõ chất lượng, lại còn dưới danh nghĩa thương hiệu của mình in rõ trên bao bì đến tay người bệnh, thì không chỉ là thất bại trong kiểm soát chất lượng – mà còn là sự phản bội niềm tin mà người tiêu dùng.
Hơn lúc nào hết, vụ việc Herbitech – Pharmacity cần được điều tra đến nơi đến chốn, để đánh lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự dễ dãi, về những “góc tối” trong ngành dược phẩm, nơi đáng lẽ phải đặt y đức lên trên tất cả.
Tân Nguyên
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
