Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang mở rộng và hội nhập
Tại Diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp sáng tạo "từ địa phương ra quốc tế" tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2024, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, cho các tổ chức cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Các quy định pháp lý đang nằm trong các quy định của các văn bản pháp luật khác nhau, nhiều nội dung nằm trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể phù hợp cho giai đoạn đầu nhưng khi hệ sinh thái Việt Nam bước sang giai đoạn mở rộng, kết nối cần thiết phải xây dựng chính sách phù hợp với bản chất, quy mô, tiềm năng, định hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Cũng theo Thứ trưởng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Theo đó cần xây dựng chính sách pháp luật, hành lang pháp lý để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển tương xứng với mô hình, tiềm lực, yêu cầu của giai đoạn mới.
Ông cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục sứ mệnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Quốc gia. Bộ sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của Thủ tướng để hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách nhằm hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ...
Liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở từng địa phương, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nhìn nhận, một trong những thách thức trong thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là việc kết nối các thành phần hệ sinh thái. Trong đó cần cơ chế để doanh nghiệp có thể đặt hàng đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo từ nhu cầu thực tiễn của họ.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết chính quyền cần tạo đầu mối, dẫn dắt để doanh nghiệp gặp gỡ nhà khoa học. Đây là cách trong những năm qua Thừa Thiên - Huế thực hiện giúp nâng cao khả năng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. "Doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu thương mại hóa để khởi nghiệp", ông Thắng nói.
Trong khi đó, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, ông Trần Quang Tuấn khẳng định địa phương đang xây dựng các chính sách đặc biệt thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện tốt nhất phát triển dự án khởi nghiệp thời gian tới. Hải Phòng xây dựng chính sách các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa có cơ chế đặt hàng các cơ sở đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề. Doanh nghiệp có các cam kết về danh mục các sản phẩm đặt hàng sinh viên, nhà khoa học nghiên cứu có giải pháp thay thế hàng nhập ngoại.
PV