SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 15/04/2024
  • Click để copy

Hệ luỵ phía sau cơn sốt năng lượng tái tạo tại Việt Nam

07:13, 19/09/2020
Loạt ông lớn ngân hàng bùng nổ tín dụng xanh, nhóm doanh nghiệp đầu tư năng lựợng tái tạo cũng đang tạo ra một cuộc đua phát hành trái phiếu lãi suất cao để giải quyết cơn “khát vốn”.

Ngân hàng “đua” cấp tín dụng xanh, vẫn tiềm ẩn rủi ro

Khoảng 2 năm trở lại đây, càng nhiều các nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các dự án về năng lượng tái tạo (gió và mặt trời). Nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu có những gói cho vay “khủng” để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Những cái tên gắn liền với tín dụng xanh trong thời gian qua phải kể đến như Vietcombank, Agribank, BIDV, TPBank, SHB.

Cụ thể, tại Vietcombank, hồi cuối tháng 6/2019, ngân hàng được 4 ngân hàng Nhật cấp tín dụng 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỷ đồng) thời hạn 14 năm để cho vay lĩnh vực năng lượng xanh. Vietcombank cũng đang cho vay 3 dự án là Srêpok 1, Srêpok 2 và BP Solar. Srêpok 1 có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Đắk Lắk. Srêpok 2 và BP Solar 1 là hai dự án ở Phước Hữu, Ninh Thuận.

Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa do Vietcombank tài trợ vốn. Ảnh: GEC.

Hay tại BIDV đã phối hợp với Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đưa ra các gói giải pháp điện mặt trời hỗ trợ các hộ gia đình. Hạn mức cho vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 2-10 kWp với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm.

BIDV cũng là một trong số ít ngân hàng đã cấp tín dụng cho nhiều dự án lớn điện gió. Chẳng hạn như dự án Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 (Quảng Trị), tổng công suất 60 MW và dự án Phương Mai 3 (Bình Định), công suất 20,7 MW.

Tại TPBank, mới đây ngân hàng này tung ra gói tín dụng "Tài trợ dự án điện mặt trời mái nhà dành cho doanh nghiệp" áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà, không phân biệt phân khúc.

Trước đó, TPBank từng ký kết thỏa thuận hợp tác nguyên tắc với Tập đoàn Bamboo Capital về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm, được sử dụng cho các dự án điện gió với tổng công suất 650 MW tại tỉnh Cà Mau, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh; Nhà máy điện mặt trời 330MW tại Bình Định và các dự án điện mặt trời mái nhà.

TPBank cũng cung cấp gói tín dụng cho Nhà máy điện mặt trời GAIA với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, tổng công suất 140MW tại Long An; 1.000 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời Phước Hữu tại Ninh Thuận; các dự án điện mặt trời mái nhà trải dài tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Long An, Bình Thuận,…

Hệ thống điện mặt trời trên mái tại quận 9, TP HCM. Ảnh: TPBank.

Tuy nhiên, hiện nay sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án điện mặt trời mái nhà trong khi quy định chưa đầy đủ đang tạo lỗ hổng cho nhà đầu tư “né” bổ sung dự án vào quy hoạch, lại hưởng giá bán điện cao.

Cụ thể, mới đây, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo khẳng định chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Vì thế, nếu các tấm pin năng lượng mặt trời chỉ được lắp trên khung giá đỡ, không phải trên mái công trình xây dựng không được công nhận là điện mặt trời mái nhà. Giá mua điện vì thế cũng sẽ thấp hơn mức 8,38 cent (1.943 đồng) một kWh. Với khẳng định này từ nhà chức trách, không ít nhà đầu tư đã bỏ hàng chục tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời nông nghiệp dạng này sẽ không ký được hợp đồng mua bán điện hưởng giá điện mặt trời mái nhà.

Do đó, không ít doanh nghiệp, trang trại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kết hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà đối mặt khó khăn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank từng cho rằng, thách thức đối với các NHTM khi thực hiện chính sách tín dụng xanh là: Các quy định về pháp luật còn dàn trải; Các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; Các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội thường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện rác…

Ngoài ra, việc cấp tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Hơn nữa, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn, trung hạn mà đầu tư cho dự án xanh lại đòi hỏi dài hạn. Điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay.

Hơn nữa, giá mua điện nhiều khả năng được điều chỉnh thấp hơn nhiều, dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp không có tỉ suất sinh lợi tốt để trả vốn và lãi vay ngân hàng, gây ra rủi ro tài chính.

Tín dụng ngân hàng siết chặt, loạt "ông trùm" điện mặt trời đua nhau phát hành trái phiếu

Giữa bối cảnh dòng vốn tín dụng ngân hàng ngày càng bị siết chặt, trong khi dịch Covid-19 gây thêm áp lực kêu gọi đầu tư từ các đối tác ngoại, lãi suất nhà băng điều chỉnh, trái phiếu đang nổi lên như một kênh thay thế tiềm năng. Do đó, nhóm doanh nghiệp đầu tư năng lựợng tái tạo đang tạo ra một cuộc đua phát hành trái phiếu lãi suất cao để giải quyết cơn “khát vốn”.

Đầu tiên phải nhắc tới một tên tuổi đứng đầu ngành – Trung Nam Group. Ngày 26/8, CTCP Điện mặt trời Trung Nam vừa phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Trái phiếu có kỳ hạn 9 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm.

Cùng ngày, CTCP Trung Nam cũng phát hành trái phiếu, tổng giá trị 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm. Lãi suất áp dụng năm đầu tiên cũng là 10,5%/năm. Các năm sau, lãi suất được thả nổi và tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm. Tổng số tiền được nhóm công ty này huy động qua kênh trái phiếu là 3.045 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm hiện tại, tổng huy động trái phiếu khoảng 6.500 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền tài sản và tài sản trên đất hình thành trong tương lai gắn liền với dự án.

Tương tự, từ đầu năm đến nay, “ông lớn” Vietracimex liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. 

Cụ thể, tháng 1/2020, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 - công ty con của Vietracimex phát hành lên tới 2.550 tỷ đồng. Trái phiếu có lãi suất cố định và ở mức khá thấp so với mặt bằng chung hiện nay (10 - 11%/năm). Đầu tháng 6/2020, Năng lượng Hồng Phong 2 đã phát hành 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, lãi suất cố định 10%/năm với 4 kỳ tính lãi đầu tiên và được thả nổi các kỳ sau đó.

Trước đó, một thành viên khác thuộc Vietracimex là Năng lượng Hòa Thắng cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu có kỳ hạn 14 năm với giá trị 220 tỷ đồng. Toàn bộ tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền tài sản và tài sản trên đất hình thành trong tương lai gắn liền với các dự án.

Từ ngày 25/6 - 28/8/2020, nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Các doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Trong đó, nhóm Ea Súp (được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng) huy động được 7.000 tỷ đồng.

Thận trọng rủi ro với trái phiếu điện mặt trời?

Các dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị quá tải công suất.

Hiện nay, những khó khăn với doanh nghiệp điện mặt trời đã bắt đầu lộ diện khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực (ngày 22/5/2020).

Theo đó, giá mua điện đã giảm khá nhiều so với mức giá ưu đãi cũ. Đối với Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW sẽ được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh. Tức là các doanh nghiệp chỉ còn 4 tháng nữa để chạy đua hoàn tất vận hành nhà máy nếu muốn bán điện giá cao trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, hy vọng khó hoàn thành bởi ảnh hưởng từ covid-19.

Cuối năm 2019, Công ty CP Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn cũng phải kêu cứu lên Chính phủ vì giá điện mặt trời quá thấp khiến Công ty lo ngại rơi vào trường hợp phá sản. Hay Licogi 13 đã tiến hành giải thể Công ty TNHH MTV Điện Mặt Trời Licogi 13 và CTCP Điện Mặt Trời LIG Quảng Trị sau 7 tháng thành lập vì kinh doanh không hiệu quả.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời, bởi rủi ro các dự án phải giảm công suất dẫn đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ của chủ đầu tư bị ảnh hưởng.

Thậm chí, có dự án huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không nằm trong quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư mỏng vốn, “tay không bắt giặc”, không thực hiện dự án đúng tiến độ…

Tương tự bất động sản, các dự án điện mặt trời sử dụng đòn bẩy tài chính cao, phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Làn sóng ồ ạt phát hành trái phiếu để phát triển dự án điện mặt trời khả năng có thể xảy ra rủi ro tương tự như trái phiếu bất động sản?

Hà Phương

vnfinance.vn

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 8 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.