SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 19/03/2024
  • Click để copy

Hậu Giang: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Cầu Đúc

15:40, 04/12/2020
(SHTT) - Cục Sở hữu Trí tuệ ban hành Quyết định số 4523/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00092 cho sản phẩm khóm “Cầu Đúc”. Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

 Cây Cầu Đúc là tên gọi của cây cầu bắc ngang sông Cái Lớn nối liền 2 tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang được Pháp xây dựng từ những năm 1930. Nay cây cầu này được xây dựng lại có tên là cầu Cái Tư thuộc xã Hoả Tiến, thành phố Vị Thanh. Theo những lão nông sống lâu đời tại đây cho biết giống “Khóm Cầu Đúc” được trồng tại vùng này vào những năm 1930 do người Hoa đến đây lập nghiệp và mang theo giống khóm này. Hàng hóa sản xuất ra thời đó tập trung tại cây Cầu Đúc để trao đổi và mua bán. Từ đó, tên gọi “Khóm Cầu Đúc” có tên riêng của nó để phân biệt với khóm trồng ở các vùng khác. Tên gọi khóm Cầu Đúc xuất hiện đến nay đã trên 90 năm. Khóm Cầu Đúc lâu nay đã là thương hiệu “nức tiếng” của tỉnh Hậu Giang.

Giống chủ yếu là khóm Queen (Nữ hoàng) có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 5. Do đặc thù về thổ nhưỡng nên khóm trồng ở Hậu Giang có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi, đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không bị hỏng. Hiện tại, khóm Cầu Đúc là một trong những mặt hàng đặc sản của tỉnh Hậu Giang, không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà đã xuất khẩu sang Nga và một số nước Đông Âu.

khom cau duc

 Hậu Giang: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Cầu Đúc

Đây cũng là cây trồng chủ lực của người dân thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, nay được chọn làm cây chủ lực giúp tăng thu nhập cho người dân và tạo xung lực xây dựng nông thôn mới… 

Trong nhiều năm liền, Khóm Cầu Đúc nằm trong danh sách 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh Hậu Giang, hơn nữa còn là một trong ba sản phẩm chủ lực chiến lược cần tập trung phát triển.

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của khóm Cầu Đúc có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình trũng thấp, độ cao trung bình 1 mét trên mực nước biển, có hệ thống kênh rạch nhân tạo chằng chịt. Khu vực địa lý có 2 nhóm đất chính: đất phèn tiềm tàng và đất phèn hoạt động có thành phần cơ giới nặng (tỷ lệ sét > 50%), giữ nước tốt, giúp cây khóm không bị thiếu nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Đất có độ xốp cao (> 55%) là điều kiện thuận lợi cho rễ khóm ăn sâu và rộng, cung cấp dinh dưỡng cho cây trong quá trình phát triển. Ngoài ra, đất trồng khóm Cầu Đúc còn có hàm lượng cation trao đổi cao (hàm lượng Mg2+ > 2,87 meq/100g đất) và hàm lượng cacbon hữu cơ tổng số ở mức trung bình đến giàu (4,79 – 5,92%), khiến trái khóm Cầu Đúc có vị ngọt, nhiều nước và giúp cây khóm chống bệnh luộc lá trong giai đoạn phát triển quả.

Khí hậu vùng trồng khóm Cầu Đúc được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa (tháng 5 – tháng 11) và mùa khô (tháng 12 – tháng 4). Nhiệt độ trung bình năm 27 oC, độ ẩm bình quân năm 81%, biên độ dao động nhiệt ngày đêm vào mùa mưa là 5 – 6 oC, mùa khô là 3 - 4 oC, phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây khóm. Lượng mưa trung bình vào mùa mưa là 289,6 – 499,5 mm, trong giai đoạn tích lũy dinh dưỡng của cây khóm nên ảnh hưởng trực tiếp tới kích thước, trọng lượng, hàm lượng nước của trái. Lượng mưa trung bình vào mùa khô là 12 – 160,5 mm, phù hợp cho quá trình bảo quản sản phẩm. Số giờ nắng bình quân hàng tháng là 218,39 giờ/tháng, bình quân 7,3 giờ nắng/ngày trong suốt cả năm, số giờ nắng của các tháng tương đối đồng đều, phù hợp với bản chất cây nhiệt đới ưa sáng của khóm.

Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, kỹ thuật trồng và chăm sóc khóm cũng là một yếu tố đảm bảo chất lượng của khóm Cầu Đúc. Người nông dân trồng khóm Cầu Đúc chọn giống khóm Queen có nguồn gốc từ Hậu Giang, sạch bệnh, từ cây sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, lá xanh tốt. Thời điểm trồng khóm hàng năm là vào tháng 6 – 7 đối với khóm chính vụ và tháng 10 – 11 đối với khóm trái vụ. Đất trồng được bố trí thành các lô, trên mỗi lô xẻ mương lên líp. Cây khóm được trồng theo hàng kép đôi , mật độ 0,5 x 0,5 x 0,5 m (trung bình 30.000 cây/ha). Ngoài ra, vườn trồng còn có đê bao để ngăn lũ, chống xói mòn và trồng cây chắn gió theo trục đường chính.

Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4523/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00092 cho sản phẩm khóm “Cầu Đúc”. Khu vực địa lý là: Xã Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ; phường VII và các xã Vị Tân, Hỏa Lựu, Tân Tiến, Hỏa Tiến thuộc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Hà Vân

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.