SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Hàng hóa bình ổn thị trường sẵn sàng cho mùa khai trường

09:13, 23/07/2013
Thị trường sắp bước vào đợt mua sắm cao điểm đối với các mặt hàng phục vụ cho mùa khai trường 2013-2014. So với năm ngoái, năm nay các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn giá tại TPHCM đã có sự chuẩn bị hàng hóa từ khá sớm, với lượng hàng tăng bình quân khoảng 15% và giá bán thấp hơn ít nhất 10% so với giá thị trường.

Tăng cường đầu tư, ổn định giá cả

Năm 2013 là năm đầu tiên TPHCM triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai trường xuyên suốt 12 tháng, kể từ ngày 1-4-2013 đến 1-4-2014, thay vì chỉ thực hiện kể từ ngày 1-4 đến 31-10 hàng năm. Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, sau 2 tháng triển khai thực hiện, các DN tham gia chương trình luôn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu, tích cực dự báo cung - cầu thị trường để xây dựng phương án sản xuất, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong việc điều phối hàng hóa kịp thời đến các hệ thống điểm bán, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường luôn sẵn sàng khi có biến động. Theo đó, năm 2013, TPHCM tiếp tục bình ổn thị trường đối với 3 nhóm mặt hàng gồm tập vở, đồng phục học sinh và cặp - ba lô - túi xách.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op cho biết, năm nay Saigon Co.op tiếp tục được TP giao chuẩn bị nguồn hàng bình ổn đối với 2 nhóm mặt hàng gồm đồng phục học sinh và tập vở. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước đều bán đầy đủ các mặt hàng bình ổn phục vụ mùa khai trường của các DN trong chương trình. Riêng tại TPHCM, ngoài các sản phẩm của DN bình ổn giá, Saigon Co.op còn đăng ký bán thêm hàng nhãn riêng, với giá bán thấp hơn giá của các DN bình ổn từ 10%-30%. Cụ thể, đối với đồng phục học sinh, năm nay Saigon Co.op sẽ đưa ra thị trường với lượng hàng dự kiến là 60.000 bộ và tập học sinh là 1,5 triệu quyển. So với năm ngoái, hàng nhãn riêng của Saigon Co.op đối với tập học sinh tăng 27% và đồng phục học sinh tăng 46%. Các mặt hàng khác như cặp táp, ba lô, túi xách sức mua cũng đang tăng trưởng khá tốt do Saigon Co.op đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi.

Cùng với Saigon Co.op, hầu hết các DN đã hoàn thành công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho đợt cao điểm mùa khai giảng năm học 2013 -2014. Trong đó, có khá nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, dây chuyền trang thiết bị phục vụ sản xuất như: Công ty TNHH SX và TM Trương Vui đầu tư dây chuyền sản xuất cần kéo cho các mặt hàng vali, cặp tại địa chỉ lô A10, đường số 4, cụm công nghiệp Nghị Xuân, huyện Hóc Môn; Công ty TNHH Giấy và văn phòng phẩm Thành Công đã chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào bằng việc đầu tư xây dựng Công ty Công Thành (đồng chủ sở hữu ở tỉnh Tây Ninh) chuyên cung cấp giấy nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất giấy...

Về giá bán, mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào năm nay tăng nhưng để đảm bảo sức mua, hầu hết các DN trong chương trình đã không điều chỉnh giá bán so với năm ngoái và luôn đảm bảo mức giá thấp hơn thị trường ít nhất 10%. Một số DN trong chương trình như Công ty TNHH SX và TM Trương Vui (Mr. Vui); Công ty TNHH SX Hương Mi (Hami) đã có văn bản đăng ký bổ sung giá các mặt hàng mới vào chương trình, góp phần làm cho hàng hóa của chương trình ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng TP.

Nhiều đợt bán hàng lưu động

Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, các DN chú trọng vào công tác phát triển điểm bán, tích cực đưa hàng hóa vào các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị - trung tâm thương mại - chuỗi cửa hàng tiện lợi, khu dân cư… góp phần tạo sức lan tỏa của chương trình ngày càng rộng rãi.

Tính đến hết tháng 6-2013, các DN đã triển khai 754 điểm bán, tăng 26 điểm bán so với tháng 5-2013 và tăng 399 điểm so với đầu chương trình năm 2012 gồm: 168 siêu thị, trung tâm thương mại và nhà sách; 306 cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh; 280 điểm bán trong khu dân cư. Về quy cách tại điểm bán hàng bình ổn thị trường, Sở Công thương đã ban hành Thông báo số 4316/TB-SCT ngày 14-5-2013 về hướng dẫn thực hiện quy cách điểm bán hàng thuộc các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2013 - Tết Giáp Ngọ 2014. Bên cạnh đó, Tổ Kiểm tra Công tác thực hiện Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng trên địa bàn TP dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra về quy cách tại các điểm bán của DN vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2013 nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh trường hợp những điểm bán có sai phạm về cách trưng bày sản phẩm, niêm yết giá, trình bày bảng hiệu... 

Ngoài ra, sở đã xây dựng kế hoạch số 4374/KH-SCT ngày 15-5-2013 về việc tổ chức bán hàng lưu động thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP năm 2013 - Tết Giáp Ngọ 2014. Trong tháng 6-2013, có 2 DN là Công ty CP Phát hành sách Fahasa và Công ty CP Văn hóa Nhân Văn tổ chức 17 chuyến bán hàng lưu động tại quận 1, 7, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn... với tổng doanh thu đạt khoảng 651,6 triệu đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9, các DN sẽ tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân TP.

Nhận định về sức mua chung đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương TPHCM cho rằng, do tháng 5 và tháng 6 là thời điểm học sinh - sinh viên vừa kết thúc năm học 2012 - 2013 và cũng chưa đến thời điểm nhập học nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng chưa có sự đột biến. Nhưng kể từ đầu tháng 7 đến nay, sức mua đã và đang tăng cao, dẫn đến nhiều đơn vị có lượng hàng cung ứng ra thị trường, vượt hoặc đạt xấp xỉ kế hoạch TP giao, như: Công ty TNHH MTV TM Thời trang Dệt may VN (118,59%), Công ty TNHH SX Hương Mi (111,25%), Công ty CP May Sài Gòn 2 (217,5%), Công ty CP Vĩnh Tiến (115,4%), Công ty CP Phát hành sách TPHCM - Fahasa (113,84%),... Tính chung, tổng doanh thu tính lũy kế đến tháng 6-2013 đạt 62,211 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ.

Trên thực tế, giá cả và cung cầu thị trường đang diễn biến theo hướng có lợi cho các DN chuẩn bị hàng hóa đối với các mặt hàng chuẩn bị cho mùa khai trường. Theo đó, sức mua năm nay dự báo sẽ không có sự đột biến do kinh tế còn khó khăn, do vậy có thể khẳng định, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường sẽ rất dồi dào, phong phú, giá cả tiếp tục ổn định.

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.